Mỗi năm Đà Nẵng đón hàng triệu lượt khách ghé thăm, nhưng các tuyến phố luôn xanh sạch đẹp, nhiều con đường không bóng hàng rong bán dạo; nhà ga, sân bay, bến xe, hàng quán tịnh không một bóng người xin ăn, chèo kéo khách; cứ sau mỗi lễ hội, người dân, đội quân tình nguyện, lực lượng chức năng… đều chung tay gom nhặt rác để trả lại không gian yên bình. Điều này không phải đợi đến bây giờ, Đà Nẵng đã bắt tay vào thực hiện từ 15 năm về trước!
Từ chuyện phố vắng người ăn xin
Cuộc sống đa diện. Xã hội ở đâu cũng có người giàu, kẻ nghèo. Hẳn nhiên vậy! Nhưng một thành phố ở vùng đất còn nhiều nghèo khó mà suốt 15 năm hiếm thấy bóng người xin ăn lê la nhếch nhác trên vỉa hè, bên góc chợ là điều khó tin. Đà Nẵng đã làm được điều đó.
Năm 2000, người đứng đầu UBND Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh sau nhiều trăn trở đã có chỉ đạo dẹp bỏ tình trạng ăn xin trên phố. Nhiều người cho rằng, đó là một việc làm hết sức nhạy cảm và khó khăn. Còn nhớ ngày ấy, ông Thanh nói lại là cần phải có trách nhiệm để cho nhân dân có đủ cơm ăn, áo mặc thì vấn nạn ăn xin sẽ được triệt tận gốc. Với cách làm quyết liệt của lãnh đạo thành phố, một đường dây nóng ngay lập tức được thành lập, có nhiệm vụ thu gom người lang thang ăn xin về các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Cùng với đó, phương thức thưởng nóng 200 ngàn đồng cho một cuộc gọi thông báo có người ăn xin xuất hiện trên phố đã được thực hiện. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự quyết liệt ấy có quá đáng không khi những người ăn xin cũng là công dân bình thường trong xã hội? Họ buộc phải để ngửa bàn tay vì không tấc đất cắm dùi, không sức khỏe? Niềm băn khoăn ấy không phải đợi lâu, bởi với chủ trương này, sau khi thu gom, tìm hiểu tâm tư của họ, nếu ai muốn trở về quê, thành phố trích kinh phí hỗ trợ tiền xe đưa về tận địa phương; còn người có hoàn cảnh khó khăn tùy tình hình cụ thể sẽ được hỗ trợ học việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các đối tượng cao tuổi, không còn sức lao động được đưa về chăm sóc ở các trung tâm bảo trợ xã hội.
Các nhóm tình nguyện và chiến sĩ công an nhặt rác vì một Đà Nẵng xanh |
Có thâm niên bán chả cá ở chợ Hàn suốt gần 15 năm nay, bà Nguyễn Thị Thủy vui vẻ cho biết: “Ngày trước, ở quanh khu vực chợ Hàn có nhiều người ăn xin lắm nhưng kể từ ngày thành phố có chủ trương thu gom, số điện thoại đường dây nóng được gắn ở các tuyến phố thì người xin ăn giảm hẳn. Khoảng 5 năm trở lại đây, gần như không thấy người ăn xin ở chợ Hàn nữa. Chủ trương của thành phố đã tạo điều kiện cho họ có cơ hội để người còn sức lao động tạo lập cuộc sống mới và người già có nơi ăn ở ổn định, là một người dân sống ở thành phố này tôi thấy vui mừng cho những hoàn cảnh khó khăn đó và cũng tự hào vì mình được sống trong thành phố có nhiều chính sách hợp lòng dân như thế này”.
Đến chuyện nhặt rác sau mỗi lễ hội
Hiếm thấy nơi nào cứ sau mỗi lần tổ chức lễ hội, hình ảnh lực lượng chức năng, tình nguyện viên và cả người dân cùng chung tay gom rác để trả lại không gian sạch cho môi trường như Đà Nẵng. Gần như đó đã là một việc làm tạo nên thương hiệu riêng được hình thành trong ý thức của mỗi công dân Đà thành và cộng hưởng, lan tỏa đến khách du lịch thập phương mỗi khi có dịp đến thăm thú nơi đây. Bạn Ngô Trường Định, sinh viên Khoa Hóa, Trường ĐHBK Đà Nẵng, thành viên Tổ chức 350.gov.vn Đà Nẵng cho biết: “Nhóm mong muốn góp phần nhỏ để giúp họ đỡ vất vả, sớm được về với gia đình trong ngày lễ, hội. Qua đó, hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, hành động nhặt rác sẽ đánh vào nhận thức của người dân, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng…”. Chiến dịch chung tay vì đường phố xanh sạch đẹp được Tổ chức 350.org Đà Nẵng phát động với sự hợp tác của nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm ở Đà Nẵng như Sức Trẻ, Go Green Đà Nẵng, X135, Câu lạc bộ tình nguyện Nghệ Tĩnh tại Đà Nẵng…
Một hình ảnh đẹp trong lễ hội đó là hình ảnh các chiến sĩ công an nhân dân cùng chung tay nhặt rác. Thượng tá Nguyễn Hải Thuận, Trưởng phòng tham mưu Công an Đà Nẵng cho biết, các chiến sĩ được điều động tới lễ hội làm nhiệm vụ an ninh trật tự. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc nhặt rác xuất phát từ ý thức của mỗi người để cùng chung tay thực hiện phong trào Năm văn minh đô thị 2015. Ý thức ấy thấm nhuần trong mỗi người dân, du khách thập phương.
Không chỉ với riêng lễ hội, nhiều năm qua, có nhiều tổ chức tình nguyện của các trường ĐH, CĐ ở thành phố này cũng thực hiện hành động vì môi trường. Các bạn sinh viên đã cùng các trường TH, THCS trên địa bàn tổ chức buổi ngoại khóa “xanh”.
Đà Nẵng sau 15 năm đã khoác lên một màu áo hoàn toàn mới. Chính mỗi người dân ở đây đã biết nỗ lực giữ gìn và phát huy để không hổ thẹn với người đi trước và là niềm mơ ước của nhiều nơi khác về một thành phố đáng sống!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)