Năm 1998, Đà Nẵng đã bắt tay vào thực hiện Đề án thu hút, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về cả tâm lẫn tài đưa thành phố phát triển bền vững. Hơn 15 năm, công tác này đã góp phần trẻ hóa, làm chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương những trọng trách quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của thành phố…
Đột phá từ giáo dục
Năm 2008, lần đầu tiên, Đà Nẵng tiếp nhận 26 sinh viên tốt nghiệp theo chương trình hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách của thành phố dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn. Trong đó có 10 học sinh được chuyển tiếp học thạc sĩ theo Đề án 393 “đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài”; số còn lại đã được bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc UBND thành phố quản lý và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Bắt đầu từ đây, Đà Nẵng đánh dấu mốc cho việc bắt tay vào đào tạo, thu hút NNLCLC.
Thu hút nhân lực bắt đầu từ giáo dục là sự đầu tư bền vững |
Từ năm 2009, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được định hướng xây dựng theo hướng chất lượng cao. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm này, Đà Nẵng có 65/68 thí sinh THPT dự thi đoạt giải (đạt 95,98%). Kể từ sau năm 1975, lần đầu tiên, Đà Nẵng có sự bứt phá trong cả số lượng và chất lượng ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chỉ trong vòng 5 năm sau khi được đầu tư theo hướng chất lượng cao, trường có 9 lượt học sinh đạt giải Olympic khu vực và quốc tế. Một sự bứt phá ngoạn mục trong 22 năm kể từ khi thành lập trường đến thời điểm này… Bên cạnh đó, Đà Nẵng giải quyết bài toán NNLCLC “tại chỗ” với chương trình hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước. Trong số 340 em tham gia đào tạo ở bậc ĐH theo Đề án phát triển NNLCLC, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chiếm 91%. Đây được xem là cách Đà Nẵng phát triển NNLCLC “từ xa, từ sớm”. Đến nay, có 250 học viên tham gia đề án đã tốt nghiệp, nhận công tác. Những học viên này đều hoàn thành chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nhóm 200 trường ĐH hàng đầu thế giới do Tổ chức Time Higher Education Supplement (Vương quốc Anh) xếp hạng. “Đây là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia, đáp ứng nhu cầu phát triển NNLCLC của thành phố trong tình hình mới” – ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng khẳng định.
Đội ngũ có tâm và có tầm
Ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban tổ chức Thành ủy nhìn nhận, đội ngũ cán bộ từ chính sách này đã phát huy khá tốt chất xám của mình tại vị trí công tác được phân công. Có thể nói rằng đã hình thành một lớp cán bộ kế cận có trình độ, năng lực, có khả năng đảm đương dần những trọng trách quan trọng… “Để phát triển nhanh NNLCLC, thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn năm 2011-2020, thành phố sẽ tập trung một số định hướng lớn như: Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực, Đà Nẵng triển khai công tác dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, tư cho từng ngành, đặc biệt là các ngành dịch vụ mũi nhọn, công nghệ cao theo từng giai đoạn. Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động thu hút theo kiểu “săn đầu người”; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân tài để chủ động trong việc tiếp cận, vận động về làm việc cho thành phố, thực hiện việc thu hút bậc tiến sĩ kết hợp với thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện đồng bộ chính sách “chiêu hiền” với công tác “đãi sĩ” đối với cán bộ công chức hiện đang công tác; làm tốt công tác sử dụng và “giữ chân người tài”, thực hiện tốt bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực…”, ông Hồng cho biết.
15 năm, với chính sách thu hút nhân tài, Đà Nẵng đã tạo nên nét đặc trưng của mình bằng thành quả về phát triển kinh tế, xã hội, mạng lưới cơ sở hạ tầng ổn định, chỉ số CPI trong top đầu cả nước.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Nói như ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, đó là sự đầu tư lâu dài và bền vững: “Nếu so sánh, 600 tỷ đồng bằng đầu tư xây dựng nửa chiếc cầu, nhưng lực lượng này nếu biết phát huy, khơi dậy năng lực chuyên môn thì họ có thể làm ra rất nhiều chiếc cầu lớn cho thành phố”! |
Bình luận (0)