Với những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, Đà Nẵng đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào AI (trí tuệ nhân tạo), hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số năm 2030.
Với nhiều chính sách thu hút và các tiềm năng lợi thế, Đà Nẵng còn nhiều dư địa tiềm năng lớn để AI phát triển
Nhiều “đất” cho AI phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ rõ, một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của TP là: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TP thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2022 tổng doanh thu công nghệ thông tin và truyền thông của TP đạt 1,47 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD. Thời gian qua Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Quốc – Giám đốc Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng – cho biết, TP đã thí điểm nền tảng phân tích dữ liệu thông minh, phát triển dữ liệu số với kho dữ liệu dùng chung; xây dựng cổng dữ liệu mới với 1.000 tập dữ liệu trên các lĩnh vực; ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực (như: hành chính công, giám sát an ninh trật tự, xử phạt vi phạm giao thông…). Bước đầu các hoạt động này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực hành chính công – năm 2019, TP triển khai ứng dụng chatbot hướng dẫn dịch vụ công với trung bình 4.000 lượt hỏi đáp/tháng, tiết kiệm 40 ngày làm việc/tháng; năm 2022 thí điểm trợ lý ảo cho cán bộ công chức; năm 2023 ứng dụng AI dự báo số lượng hồ sơ cấp phép xây dựng/sổ đỏ, giúp cơ quan bố trí nguồn lực phù hợp.
Năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng chiếm 17% tỷ trọng. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng lên 20%, đến năm 2030 sẽ đạt 30%.
Ông Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư TP.Đà Nẵng – thông tin, công nghệ thông tin, kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là một trong 5 mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng đến 2030 và xa hơn. Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp (diện tích 1.066,52ha) đã đi vào hoạt động (gồm các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Hòa Khánh (mở rộng), dịch vụ thủy sản, Đà Nẵng) và 1 khu công nghệ cao (diện tích 1.128,4ha); Dự kiến sẽ đầu tư mới 4 khu công nghiệp: Hòa Cầm (mở rộng) – (120ha), Hòa Ninh (400ha), Hòa Nhơn (360ha) và khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (58ha).
Hiện Đà Nẵng thu hút được hơn 1.000 dự án đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng giá trị đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, thu hút FDI ở lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ đạt 25 triệu USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này chứng tỏ dư địa tiềm năng của Đà Nẵng còn rất lớn.
Phổ cập kỹ năng ứng dụng AI cho thanh thiếu niên
Theo kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2030 của TP.Đà Nẵng, phát triển mở rộng Khu Công viên phần mềm, Khu Công nghệ thông tin tập trung; đưa vào sử dụng Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có không gian đổi mới sáng tạo, không gian chuyển đổi số; phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng dữ liệu lớn; xây dựng chính sách hỗ trợ thành lập các nhóm nghiên cứu lớn AI (máy học, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên…); xây dựng kho dữ liệu AI, thành lập dây chuyền sản xuất và đánh nhãn AI.
Ông Nguyễn Công Tiến – Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng – cho biết, để thu hút đầu tư vào AI, Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của Khu Công nghệ cao. Với quỹ đất lên đến 99ha, trong khi đó số doanh nghiệp đã đầu tư vào còn khiêm tốn thì các nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều ưu đãi về tiền thuê đất, thuế…
Về thu hút đầu tư trong lĩnh vực AI, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng thông tin, TP mong muốn đặt hàng các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu giải quyết các bài toán của TP như: Mô phỏng, dự báo kịch bản, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội TP; dự báo số lượng doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, trốn thuế, vỡ nợ hoặc trở lại hoạt động; dự báo tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm AI thương hiệu Việt Nam, đầu tư xây dựng các nền tảng AI trong các lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ mới, sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp. Hình thành mạng lưới kết nối, chia sẻ hợp tác, cùng giải quyết các bài toán AI dựa trên dữ liệu và yêu cầu đặc thù của TP. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần có những chương trình triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên; Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp; Mở thêm chuyên ngành đào tạo về AI, tăng chỉ tiêu tuyển sinh AI… để bổ sung nhân lực trong lĩnh vực AI; Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực AI; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức những hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu AI và khoa học dữ liệu trong, ngoài nước.
Hàn Yên
Bình luận (0)