Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Nẵng tìm cơ hội ghi tên vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-10, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP.Đà Nẵng”. Với khung pháp lý thuận lợi, cơ chế thoáng cùng nguồn lực đào tạo, kết nối quốc tế, lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng quyết tâm tìm giải pháp ghi tên vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới.


Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội thảo

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định vị là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chip bán dẫn là linh kiện cơ bản, cốt lõi trong các thiết bị điện tử kỹ thuật số, đặc biệt là là yếu tố then chốt của các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…  

Tại Việt Nam, từ những năm 2010, Chính phủ đã ban hành các chính sách tạo điều kiện ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả lĩnh vực; đặc biệt Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Đến nay, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Theo đánh giá, thời gian đến, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Mỹ và các đối tác khác.

Đối với TP.Đà Nẵng, từ những năm 2000, đã ban hành những chủ trương, chính sách làm nền tảng để phát triển công nghiệp CNTT. Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 16-8-2023 về phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn đến năm 2030 trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.


Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là: Công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022 kinh tế số của Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP.Hồ Chí Minh) và gấp 3 lần trung bình toàn quốc; có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên.  Tại Đà Nẵng hiện nay có nhiều công ty hoạt động về thiết kế vi mạch với khoảng 550 kỹ sư. Vừa qua, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 16-8-2023 về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030 trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.

Đồng thời xác định mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu CNTT, công viên phần mềm.

Đặc biệt, vừa mới đây, trong tuyên bố Hoa Kỳ – Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện, có nội dung quan trọng là: Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Như vậy, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, kết quả quan hệ và hợp tác quốc tế đã mở ra cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong tham gia chuỗi cung bán dẫn, vi mạch toàn cầu; góp phần phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ.

“Các nguồn lực này không chỉ là cơ hội mới mà là sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và của các cơ sở đào tạo để có những thay đổi trên lĩnh vực mà Đà Nẵng có một vài lợi thế nhất định. Vì vậy, cần có giải pháp, biện pháp như đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia; đầu tư phát triển cho một số doanh nghiệp vi mạch hiện có, xúc tiến và thu hút doanh nghiệp lớn để có lan tỏa…”, ông Chinh nói.  

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp khẳng định, nhu cầu nhân lực CNTT hiện nay rất lớn và quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số. Vì vậy, Đà Nẵng cũng như các địa phương cần dự bảo tốt về số lượng kỹ sư cần đào tạo cho mỗi công đoạn thiết kế, chủng loại chip bán dẫn hướng tới. Đa dạng hóa các mô hình đào tạo, đào tạo theo dự án cụ thể và hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học để đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và đào tạo.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)