Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Nẵng trường học đóng cửa, người lao động nghỉ làm để ứng phó bão Noru

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với khả năng dự báo bão Noru ảnh hưởng trực tiệp đến các địa phương ven biển miền Trung với mức độ rủi ro thiên tai lớn, các ban ngành chức năng TP.Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó…


Các lực lượng công an TP.Đà Nẵng trắng đêm giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền

Quyết liệt triển khai phương án ứng phó

Ngay trong đêm 25 và ngày 26, lực lượng Công an TP Đà Nẵng gấp rút có mặt ở mọi nơi để hỗ trợ, giúp người dân ứng phó bão từ rất sớm. Xuyên đêm 25-9, các cán bộ chiến sĩ công an đã có mặt ở bãi biển, khu vực nguy cơ cao ở dọc biển Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu… để giúp người dân chuyển ngư cụ, thuyền thúng đến nơi an toàn và chèn chống nhà cửa… Trong khi đó, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đã điều động lực lượng đến kiểm tra các khu vực xung yếu như Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, thúc giục, kiểm tra phương tiện cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Lực lượng cảnh sát giao thông đường sông kiểm soát nhắc nhở bà con neo đậu tàu thuyền trên sông Hàn đảm bảo an toàn và rời thuyền trước khi bão đến.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng thống nhất từ 12 giờ trưa mai (ngày 27-9), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các KCN được nghỉ làm việc. Các chợ trên địa bàn thành phố dừng các cuộc họp. Đà Nẵng lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão Noru do Chủ tịch UBND TP làm Chỉ huy trưởng. Công tác di dời dân sẽ được thực hiện trước 14 giờ chiều 27-9.

Cụ thể, tại huyện Hòa Vang, trong trường hợp bão mạnh cấp 14-17. Sẽ di dời gần 29 ngàn người dân. Hiện có 715 công nhân đang tạm trú tại xã Hòa Sơn, xã sẽ rà soát đưa công nhân đến điểm trú an toàn. Tại quận Sơn Trà, dự kiến sẽ sơ tán gần 16 ngàn người dân đến 31 điểm sơ tán, trong đó có một số khách sạn được trưng dụng để phục vụ việc này. Dự kiến sơ tán 600 ngư dân trong các tàu thuyền lên trú tại trươngg THCS Lý Tự Trọng và TH Trần Quốc Toản (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Quận Hải Châu dự kiến sơ tán hơn 4 ngàn người. Quận Thanh Khê dự kiến di dời 6.138 người dân. Riêng tại quận Liên Chiểu là nơi tập trung nhiều KCN và các trường CĐ, ĐH, sẽ dự kiến sơ tán khoảng 26 ngàn người dân.


Lực lượng cảnh sát PCCC-CHCN sẵn sàng ứng phó khi bão đến

Theo báo cáo của Sở Công thương TP.Đà Nẵng, tính đến hiện tại, tổng nguồn hàng lương thực, thực phẩm dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đạt khoảng 82,4 tỷ đồng, gồm các mặt hàng như: lương khô, mì tôm, gạo, nước đóng chai và các mặt hàng lương thực thực phẩm… Hàng hóa thiết yếu dự trữ hàng ngày tại 4 chợ loại 1 trên toàn thành phố có khoảng 700 triệu đồng, chưa tính các chợ dân sinh khác.

Để đảm bảo hỗ trợ cho người dân phải sơ tán, Sở Công thương đã lên phương án cụ thể nhằm cung ứng hàng thiết yếu cho người dân trong 2 trường hợp bão rất mạnh và siêu bão. Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các quận, huyện khi có nhu cầu cần hàng hỗ trợ cho người dân, tùy theo tình hình thực tế phát sinh chủ động liên hệ với các nhà cung ứng (theo thông tin Sở cung cấp thông tin các đầu mối cung ứng, phân phối toàn thành phố) để mua hàng hỗ trợ cho người dân. Các nhà cung ứng có trách nhiệm dự trữ hàng hóa, khi có yêu cầu cung cấp thì vận chuyển hàng hóa đến các quận, huyện theo số lượng đã phân bổ hoặc theo nhu cầu thực tế.

Trường học đóng cửa

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có thông báo gửi các trường học về việc linh hoạt cho học sinh nghỉ học ứng phó bão. Theo đó bắt đầu từ chiều 26-9, trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX nghỉ học cho đến khi có thông báo đi học lại của Sở GD-ĐT.


Các chiến sĩ CSGT nhắn nhở người dân neo đậu tàu thuyền trên sông Hàn

Bên cạnh đó, yêu cầu các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão, thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, báo cáo Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện (qua phòng GD-ĐT), chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hìnhthực tế. Các trường đại học tư thục theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão.

Các trường học cũng tổng kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị của đơn vị để sẵn sàng ứng phó với bão. Phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 giờ trên nguyên tắc “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ sau khi bão đi qua. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Sở GD-ĐT để được hướng dẫn xử lí.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)