- 1 Đà Nẵng: Từ “chiếc nôi cách mạng” đến thành phố động lực miền Trung
Suốt 95 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới, sáng tạo, vươn lên, từ “chiếc nôi của cách mạng miền Trung” trở thành TP động lực, trọng điểm của miền Trung về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội trong thời kỳ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhiều thành tựu nổi bật
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đi những bước thần kỳ trên con đường giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, vận mệnh của dân tộc. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, có nền kinh tế đang phát triển, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới, sáng tạo vươn lên, từ “chiếc nôi của cách mạng miền Trung” trở thành TP động lực, trọng điểm của miền Trung về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội trong thời kỳ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày 1-1-1997, TP.Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Giai đoạn từ 1997 đến nay, với các chủ trương, chính sách phù hợp trong khai thác nguồn lực, hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời phát huy được những điều kiện thuận lợi của một TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã và đang đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết 33 năm 2003 và Nghị quyết 43 năm 2019) đối với TP.Đà Nẵng; trong đó nêu lên những định hướng và cơ sở quan trọng để tại mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ TP.Đà Nẵng đưa ra các chủ trương, giải pháp mang tính đột phá nhằm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân và là một cực tăng trưởng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng năm 2024 có quy mô tăng gấp 10,63 lần so với năm 1997. Giai đoạn 1997-2024, GRDP TP có tốc độ tăng bình quân 9,24%/năm.
Trong giai đoạn 1997-2024, cơ cấu các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch dần theo xu hướng tỷ trọng khu vực dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế và đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế của TP. Theo đó, khu vực dịch vụ tăng từ 48,21% năm 1997 lên 71,14% trong GRDP năm 2024; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hẹp từ 6,66% GRDP năm 1997 xuống còn 1,77% GRDP năm 2024. Sau khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2005 đạt trên 15%/năm; đến cuối năm 2005, tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng đạt mức cao nhất 35,44%. Tuy nhiên, từ sau năm 2010, tỷ trọng của khu vực này bắt đầu suy giảm, chỉ còn 18,50% GRDP vào năm 2024.
An sinh xã hội của Đà Nẵng mang đậm tính nhân văn được thể hiện qua các chính sách của chương trình “TP 5 không”, “TP 3 có”, “TP 4 an”… Với nhiều chủ trương, chính sách xã hội vượt trội, đến nay TP đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho 2.495 đối tượng chính sách, kinh phí hơn 81,69 tỷ đồng; hoàn thành mục tiêu giảm 9.663 hộ nghèo trong giai đoạn 2022-2025.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Đà Nẵng cần kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của đất và con người Quảng Nam – Đà Nẵng trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng phát triển quê hương; nhất là khi sắp tới đây Quảng Nam và Đà Nẵng về chung một nhà thì cần phải có một tầm nhìn mới, cách làm mới để phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của một TP mới. Ngoài ra, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là cuộc cách mạng có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn hiện nay; Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu…
Phát huy vai trò dẫn dắt và nhân lực chất lượng cao
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện Kết luận số 79/KL-TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung “ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thiện khu đô thị ĐH Đà Nẵng, xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia”.
Ông Vũ cũng cho rằng, Đà Nẵng cần đánh giá đúng lợi thế của một “TP ĐH” để đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ tới nhằm phát huy, khai thác lợi thế quan trọng này. Bên cạnh đó cần chủ động đứng ra giữ vai trò kết nối, “bà đỡ” cho sự phối hợp trong việc sử dụng nguồn lực chung giữa các trường ĐH trên địa bàn nhằm phát huy lợi thế, tạo điều kiện để cùng nhau phát triển, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu khoa học. Đồng thời kiến tạo cơ chế chính sách nổi trội để có môi trường làm việc thuận lợi, nhiều cơ hội việc làm nhằm thu hút trí thức, chuyên gia, sinh viên từ mọi miền đất nước, du học sinh đến và ở lại Đà Nẵng “lập thân, khởi nghiệp”.
TS. Trần Du Lịch – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM – cho rằng, để thực hiện các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023), Đà Nẵng đang đứng trước những vấn đề cần phải vượt qua. Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, TP cần rà soát lại tất cả các quy định hiện hành, xây dựng chính sách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với các lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh với 4 trụ cột kinh tế chính. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản nhất hiện nay là xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luật số 124 và số 127 của Bộ Chính trị, ngang tầm với nhiệm vụ của chính quyền kiến tạo phát triển trong kỷ nguyên mới; Cần đi đầu trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn TP, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa với vai trò động lực phát triển vùng; và tập trung triển khai xây dựng khu thương mại tự do và trung tâm tài chính.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)