Nửa thập kỷ qua, cùng với các hoạt động văn hóa giao lưu, nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã đầu tư tại TP.Đà Nẵng. Để xây dựng chiến lược hợp tác bền chặt, phát triển, Đà Nẵng đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng cũng như sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng của Đà Nẵng với nhiều doanh nghiệp, trường đại học lớn đã và đang xúc tiến ký kết hợp tác hai bên
Hội tụ đủ yếu tố chào đón nhà đầu tư Nhật Bản
Tính đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố Nhật Bản, bao gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu và có quan hệ hợp tác cùng với 20 tỉnh/thành phố khác. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng với hơn 1,14 tỷ USD cho 261 dự án. Hầu hết các dự án hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Nhật ước đạt 650 triệu USD, nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 350 triệu USD. Trong lĩnh vực du lịch, lượng du khách Nhật đến Đà Nẵng ngày càng tăng, từ 2011 đến 2019 tăng xấp xỉ 22 lần. Tính riêng năm 2023, khách du lịch Nhật Bản nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Ngoài ra, dấu ấn Nhật Bản cũng in đậm trong các lĩnh vực giáo dục, viện trợ phi chính phủ, lao động, văn hóa… tại Đà Nẵng với nhiều kết quả tích cực.
Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, với việc được Quốc hội thông qua nghị quyết về thực hiện chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng thì thành phố luôn xác định hội nhập, kết nối với khu vực và thế giới là một trong những cách hiệu quả để phát triển nhanh, mạnh. Nhật Bản chính là một trong những thị trường tiềm năng, là nơi đáp ứng đầy đủ những nguồn lực tăng trưởng mà Đà Nẵng cần, do đó lãnh đạo thành phố không ngừng ủng hộ, mở rộng và tăng cường mối quan hệ hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam Lâm Thị Thanh Phương cho rằng, Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm giao thương, logistics của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Hiện Đà Nẵng thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản như: Pasona, Mikazuki… Những dự án này đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng. Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội và nền tảng hợp tác sẵn có với Nhật Bản, tin rằng Đà Nẵng sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều năm tới. |
“Hiện Đà Nẵng đang tập trung phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là 2 trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững. Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư vào năm 2030; về cơ sở hạ tầng đã đi vào hoạt động khu CNC, công viên phần mềm 1, công viên CNTT Đà Nẵng, FPT và đang triển khai xây dựng công viên phần mềm 2; về cơ chế, thành phố ban hành nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến chủ đầu tư, tiền thuê đất, chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, Quốc hội cho phép Đà Nẵng ban hành những chính sách đặc thù dành cho các nhà đầu tư chiến lược, như được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại thành phố;… Đây là tiền đề để Đà Nẵng tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Cường nhấn mạnh.
Xúc tiến hợp tác nhân lực
Đại sứ Nhật Bản ông Ito Naoki chia sẻ, đến nay các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại Đà Nẵng 254 dự án (lũy kế), tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực CNC và CNTT. Đơn cử như Tập đoàn Pasona đã thành lập “Pasona DX Hub Đà Nẵng” (trung tâm chuyển đổi số của Pasona tại Đà Nẵng) với mục đích đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI. Ngoài ra, Công ty Lhotse, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất robot sử dụng cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn, hiện đang đầu tư 15 tỷ yên vào Khu CNC Đà Nẵng, dự kiến trở thành dự án đầu tư với quy mô lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố này.
“Để tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực CNC và CNTT, tôi cho rằng sự có mặt của nguồn nhân lực Việt Nam có kỹ năng cao và ý chí mạnh mẽ là rất quan trọng. Gần đây, nhiều lao động được coi là “nhân lực chất lượng cao” tập trung ở lĩnh vực CNC và CNTT đang được đào tạo ở Việt Nam. Hiện nguồn nhân lực của Việt Nam đang thu hút sự chú ý không chỉ từ các công ty Nhật Bản mà còn từ các công ty trên thế giới”, Đại sứ Ito Naoki nhìn nhận.
Thông tin về hợp tác nhân lực, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp Nhật Bản, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đơn vị xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược, hướng đến xây dựng mạng lưới đối tác Nhật Bản trên cơ sở mục tiêu, chiến lược, nhu cầu hợp tác cụ thể. “Nhiều sinh viên ĐH Đà Nẵng có năng lực chuyên môn tốt, ý thức cầu tiến, thành thạo ngôn ngữ, vì vậy hoàn toàn có thể làm việc cho các doanh nghiệp, cơ quan Nhật Bản ở Việt Nam cũng như tại Nhật Bản. Tôi đánh giá cao môi trường và văn hóa làm việc trong các cơ quan Nhật Bản. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chuyên môn, nghề nghiệp của người lao động”.
PGS.TS Lê Quang Sơn cho biết, ĐH Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 80 đối tác là trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội Nhật Bản. 5 năm qua, đơn vị đã ký mới/ký lại Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 30 đối tác Nhật Bản, trong đó có nhiều đại học danh tiếng của Nhật Bản như Đại học Tsukuba, Đại học Wakayama, Đại học Tokushima, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản… Các hoạt động hợp tác bao gồm: đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi cán bộ và sinh viên, tổ chức hội nghị, hội thảo chung.
Phan Lệ
Bình luận (0)