Năm học 2014-2015 sắp tới, với sự vào cuộc quyết liệt của Đà Nẵng nhằm giảm tải cho các trường học ở quận trung tâm, 5 trường học ở quận trung tâm bị cấm tuyển sinh trái tuyến tuyệt đối theo chủ trương, các trường học ở các quận huyện khác cũng thực hiện quy định của thường trực HĐND về công tác tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp thư tay trái tuyến gửi gắm diễn ra. Cùng với đó, sự thiếu thốn về CSVC bắt đầu bộc lộ rõ hơn trước mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày…
Vẫn còn “thư tay” trái tuyến
Để đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2014-2015 sắp tới, Đà Nẵng có chủ trương quyết liệt đối với các trường hợp tuyển sinh trái tuyến, học sinh có hộ khẩu nhưng thực tế không sinh sống tại địa phương… Cụ thể 5 trường học cấm tuyệt đối tuyển trái tuyến theo chủ trương của Thành ủy và HĐND thành phố gồm: Trường tiểu học: Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) và Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Cùng với 5 trường này, các quận, huyện khác của Đà Nẵng, trong đó có quận trung tâm Hải Châu bắt đầu áp dụng chủ trương này vào các trường học trên địa bàn. Theo đó, việc tuyển sinh phải chấp hành đúng tuyến theo quy định và danh sách học sinh phải có xác nhận của UBND phường nơi học sinh đó sinh sống. Thứ tự ưu tiên bắt đầu từ hộ khẩu, có nhà ở hợp pháp, có sinh sống thực tế tại địa phương; cha mẹ và học sinh có nhà ở hợp pháp, có sinh sống thực tế tại địa phương nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú; cha mẹ và học sinh có nhà ở hợp pháp, có hộ khẩu tại địa phương nhưng nhà cho thuê và đang ở tại địa phương khác. Ngoài ra, đối với trường hợp học sinh có hộ khẩu nhưng không cư trú tại địa phương thì hội đồng tuyển sinh nhà trường lập danh sách, UBND phường xác nhận và gửi về Phòng GD-ĐT để phòng xem xét điều tiết, bố trí chỗ học tại các trường trên địa bàn quận theo tính chất liên cư, liên địa. Quy định này tác động tích cực đến sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương cư trú của học sinh. Ban giám hiệu nhà trường nhờ đó đã giảm bớt được áp lực trong quá trình điều tra phổ cập, tuyển sinh đầu cấp. Việc học sinh trái tuyến không còn là vấn đề khó phát hiện, xác minh khi có sự phối hợp này. Đơn cử như Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), ngay trong mùa tuyển sinh có khoảng 100 trường hợp học sinh có hộ khẩu nhưng không sinh sống thực tế tại địa phương nên đã gửi danh sách lại để chính quyền địa phương đề nghị lên Phòng Giáo dục quận điều tiết.
Tuy nhiên, quy định siết chặt là vậy nhưng không phải hoàn toàn triệt để được nạn chạy trường. Như Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), nếu như năm học trước đó trường này có đến 70 thư tay xin học trái tuyến, thì đến đầu năm nay vẫn còn 2 thư tay, một của lãnh đạo UBND quận, một của lãnh đạo ngành. Theo chỉ tiêu được giao, ước tính, năm học tới, trường tăng vượt một lớp 1. Ông Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kết quả điều tra phổ cập năm 2013, trong địa bàn tuyển sinh của trường có 230 cháu ở độ tuổi ra lớp. Nhưng khi tuyển sinh, chúng tôi tiếp nhận danh sách từ UBND phường gửi qua là 292 em, trong số này, có 45 trường hợp điều tra phổ cập sót, 26 trường hợp có nhà thực tế, nhà thuê hoặc chưa nhập hộ khẩu. Hiện có 212 em nộp hồ sơ tuyển sinh, số còn lại, có 15 em gia đình đã chuyển đi nơi khác học, 11 trường hợp có hộ khẩu nhưng không sinh sống tại địa phương và 54 trường hợp khác nhà trường đã liên lạc nhưng chưa thấy nộp hồ sơ nhập học. Còn Trường Tiểu học Hoa Lư thì cũng đã buộc phải trả lại 5 hồ sơ do trước đó “lỡ” nhận.
Theo kết quả kiểm tra của quận Hải Châu và Phòng GD-ĐT Hải Châu phối hợp với các tổ dân phố, cảnh sát khu vực tại các phường Hải Châu I, phường Thạch Thang – địa bàn tuyển sinh của 4/5 trường học tuyệt đối cấm tuyển sinh trái tuyến theo chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng, có 183 trường hợp trong tổng số 350 trường hợp cần xác minh bị loại khỏi danh sách. Đây là những trường hợp hồ sơ của học sinh có hộ khẩu ở với người thân và có hộ khẩu nhưng không ở cùng cha mẹ đăng ký tuyển sinh vào các trường tiểu học Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ và THCS Trưng Vương. Cụ thể, Trường Tiểu học Phù Đổng có 50/92 trường hợp không được xét tuyển vào trường, Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 18/29 trường hợp, Tiểu học Phan Thanh có 15/32 trường hợp, THCS Trưng Vương có 100/197 trường hợp. Những học sinh này sẽ được điều tiết sang các trường khác theo tiêu chí liên cư, liên địa.
Ngoại thành “phình” sĩ số
Trong khi các trường nội thành siết chặt việc tuyển sinh trái tuyến thì các trường ở vùng ngoại thành chỉ cần tuyển đủ sĩ số học sinh đúng tuyến cũng trở nên quá tải. Như Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu) chỉ nhận học sinh đúng tuyến có hộ khẩu thường trú nhưng cũng quá tải so với chỉ tiêu được giao. Ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Liên Chiểu còn có 4 trường tiểu học khác rơi vào tình trạng quá tải, buộc phải điều tiết các học sinh tạm trú dài hạn sang các trường lân cận. Năm học 2013-2014, phần lớn học sinh của Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương (Liên Chiểu) phải học 1 buổi/ngày. Để ưu tiên cho khối lớp 1 và 2 học bán trú, nhà trường phải dùng các phòng chức năng và hội trường làm phòng học. Nguyên nhân tăng dân số kéo theo số trẻ trong độ tuổi đến trường ngày một cao là do quận Liên Chiểu là nơi tập trung các khu công nghiệp, từ đó hình thành các khu chung cư, khu dân cư mới. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD-ĐT Liên Chiểu, cho biết: Hiện nay tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của toàn quận chỉ đạt 21%.
Còn tại quận Sơn Trà, dự kiến năm 2014-2015 để đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày một số trường tiểu học ở quận này sẽ phải tính đến phương án dùng phòng chức năng làm phòng học. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho biết, năm nay tình hình sĩ số học sinh đầu cấp tuyển mới tăng hơn so với các năm trước. Để đảm bảo duy trì 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, trước mắt sẽ đưa ra giải pháp tận dụng phòng chức năng để làm phòng học.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 76/99 trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh. Một số quận như Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu hiện chưa thể tổ chức cho 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày do gặp khó khăn về kinh phí, quỹ đất.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)