Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Nẵng: Xây dựng Cảng Liên Chiểu hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-12, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến Cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ. Cùng dự có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương…

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung được triển khai trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), gồm các hạng mục công trình chính như: kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối,… nhằm đảm bảo cho cảng biển này có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa từ 6.000 đến 8.000 Teus.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Đà Nẵng và trong khu vực.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP.Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả  Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu…

“Có thể nói đây là bước cụ thể rất thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là: trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Để đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công phần CSHT dùng chung dự án Bến Cảng Liên Chiểu

Chủ tịch nước cho rằng, với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông – Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố; cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc.

Việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả Vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển. Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung.

Chủ tịch nước cũng đề nghị nhà đầu tư và các bên liên quan thực hiện án một cách gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới. Đồng thời, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.

“Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng. Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả”, Chủ tịch nước lưu ý.

Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)