Chiều 23-11, các đại biểu chất vấn các bộ trưởng hàng loạt vấn đề về hàng nông sản, cho thuê đất trồng rừng ở một số nơi nhạy cảm.
Dù đã nghe trả lời nhưng nhiều đại biểu còn chưa hài lòng, không ít đại biểu phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần cùng một vấn đề…
Loay hoay bảo vệ nông sản nội
“Hiện nay, Việt Nam sản xuất rất nhiều loại nông sản nhưng trên thị trường tràn ngập nông sản nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và chúng ta không kiểm soát được chất lượng. Bộ Nông nghiệp đã có những giải pháp gì để giúp phát triển và bảo vệ những sản phẩm mà nền nông nghiệp của chúng ta có đủ, có thừa khả năng để sản xuất?” – đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) hỏi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Từ năm ngoái chúng tôi đã ban hành những thông tư, có quy định các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam phải thông báo trước về chế độ kiểm soát chất lượng ở nước mình, thông báo về năng lực của doanh nghiệp và thông báo về các đặc tính của những loại nông sản đó. Trước mắt, chúng tôi kiểm soát trên cơ sở những xác nhận đó nhưng lâu dài sẽ tiến tới như các nước thực hiện đối với ta là sẽ cử người đến tận nơi kiểm soát ở cơ sở. Mặt khác đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo rằng nông sản nhập khẩu vào nước ta đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Chưa hài lòng, đại biểu Hòa tiếp: “Đề nghị bộ trưởng làm rõ thêm: Chừng nào chúng ta có được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất nông sản trong nước”. Bộ trưởng Phát cho biết việc này Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với nhau và liên tục thực hiện. “Ngoài việc ban hành những văn bản pháp luật thì chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với những quy định quốc tế. Ngành nông nghiệp đã có kế hoạch điều chỉnh tới gần 1.000 tiêu chuẩn nhưng chưa đủ vì mặt hàng nhiều…” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời thêm: Theo cam kết WTO, chúng ta cố gắng để bảo hộ một số sản phẩm nông sản như muối, đường ăn, trứng gia cầm các loại và thuốc lá nguyên liệu. Việc nhập khẩu những sản phẩm này thì phải dùng hạn ngạch, còn các sản phẩm nông sản khác không hạn chế và chúng ta chỉ có thể kiểm soát việc nhập khẩu thông qua các biện pháp kỹ thuật, trong đó đặc biệt là rau quả. Tình hình xuất và nhập rau quả hai chiều, chủ yếu với Trung Quốc vừa qua có hai mặt. Mặt không lợi là nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; mặt có lợi là khắc phục tình hình thiếu rau quả trong những lúc giáp hạt, thiên tai.
“Nếu chúng ta xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải áp dụng cho cả sản xuất trong nước. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ rất cẩn trọng trong việc này” – Bộ trưởng Hoàng phân tích.
Giao đất cho nông dân trồng rừng nhiều hơn
Chất vấn về vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) hai lần đặt câu hỏi và Bộ trưởng Phát cho hay việc cho thuê đất trồng rừng đã được Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cùng với các địa phương kiểm tra rất nghiêm túc và đã có chủ trương là không cho thuê mới, loại bỏ các dự án lấn lên những địa bàn nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. “Chúng tôi theo dõi sát sao. Đến giờ con số cấp giấy chứng nhận vẫn dừng lại như cuối năm 2010. Thực tế đã cho thuê hơn 18.000 ha và thực tế các công ty nước ngoài đã trồng hơn 13.000 ha rừng” – bộ trưởng nói.
Đại biểu Tiến truy sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Tôi xin hỏi việc thẩm định, kiểm tra, đánh giá và trách nhiệm của bộ trưởng trong việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài trồng rừng?”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằngNghị định 108 năm 2006 đã phân cấp toàn bộ việc cấp phép cho các địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp phép các dự án đầu tư ra nước ngoài. “Qua kiểm tra, các địa phương cơ bản cũng chấp hành đúng quy định. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu tạm dừng cấp phép các dự án đầu tư cho đất trồng rừng có yếu tố nước ngoài thì đến nay không có thêm bất kỳ dự án nào được cấp phép” – Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vinh nhìn nhận có trách nhiệm trong việc tham mưu cho Chính phủ. “Hiện nay, Bộ đã dự thảo xong việc sửa đổi Nghị định 108 theo hướng chặt chẽ hơn về thẩm quyền, trình tự và điều kiện thủ tục cho thuê đất” – Bộ trưởng Vinh cho biết.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng giải pháp căn cơ sắp tới là đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho nông dân và thực hiện những chính sách hỗ trợ giống, vốn, gạo cho bà con trồng rừng cho đến khi có thu hoạch từ rừng. Có như vậy người dân trồng rừng mới sống được bằng nghề trồng rừng.
Sau tê giác sẽ là voi!
Công việc của bộ trưởng là quá tải nên chúng tôi muốn cảnh báo rằng sau con tê giác sẽ là con voi. Con voi không chỉ là một con vật hoang dã mà là một phần tâm thức của lịch sử dân tộc. Nó gắn với thời kỳ Đông Sơn, với Hai Bà Trưng, với Quang Trung… Vì thế, chúng tôi cho rằng tất cả giải pháp mà bộ trưởng đã trả lời cho tôi chắc chắn là không có hiệu quả và chúng ta thấy trước con voi sẽ chết. Đấy là nguy cơ chúng tôi muốn cảnh báo với Quốc hội.
Đại biểuDƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai)
|
THU HẰNG
Theo Pháp Luật
Bình luận (0)