Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Đá” nhầm sân?!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong suốt thời gian từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2011, Trường trung cấp Công đoàn Hà Nội có địa chỉ tại 290 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội liên tục đăng thông báo tuyển sinh trung cấp dược sĩ, hệ chính quy học 2 năm, hệ tại chức (vừa học vừa làm) học 18 tháng.
Cho đến thời điểm này, trường đã tuyển sinh được một lớp và đang thực hiện đào tạo. Tuy nhiên việc Trường trung cấp Công đoàn Hà Nội tuyển sinh và đào tạo một chuyên ngành không thuộc lĩnh vực của mình liệu có vi phạm các quy định về tuyển sinh, đào tạo cho lĩnh vực có tính đặc thù là đào tạo nhân lực y tế? Ngay cả việc liên kết đào tạo của trường liệu có đúng theo quy định?
Nghề đặc biệt, tuyển… không đặc biệt!
Chúng tôi đã có mặt và mua hồ sơ dự tuyển vào lớp Trung cấp Dược sĩ  hệ chính quy theo đúng những yêu cầu như thông báo tuyển sinh của Trường trung cấp Công đoàn Hà Nội (TCCĐHN). Hồ sơ tuyển đơn giản chỉ có: phiếu đăng ký tuyển sinh (mua tại trường), thí sinh chỉ việc điền vào những ô trống có trong phiếu tuyển sinh; phôtô học bạ lớp 12 và chờ chưa đầy 1 tháng, thí sinh dự tuyển sẽ nhận được “Giấy báo tập trung” thông báo trúng tuyển vào hệ trung cấp dược sĩ (hệ chính quy) do ông Trần Huy Vị, Hiệu trưởng Trường TCCĐHN ký. Đi kèm với giấy báo tập trung này ngoài việc thí sinh trúng tuyển phải hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ nhập học như: bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa THPT (bản chính); học bạ THPT (bản chính); giấy khai sinh (phôtô công chứng) thì nhà trường cũng đã đính kèm một bảng thống kê kinh phí đào tạo (4 triệu đồng cho 5 tháng học kỳ 1) và các khoản khác phục vụ khóa học là 1.890.000 đồng/kỳ. Tất nhiên nhà trường không quên thông báo các khoản thu đó thí sinh phải đóng 1 lần vào đúng ngày nhập học!?

 Tờ thông báo tuyển sinh trung cấp dược sĩ được dán trước cổng Trường trung cấp Công đoàn Hà Nội.
Thực ra việc tuyển sinh theo hình thức xét tuyển như trên chẳng có gì đáng bàn nếu ngành tuyển sinh không phải là ngành thuộc về lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế, một ngành được khẳng định trong Nghị quyết 46 NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị: “Là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo đặc biệt”. Trong Chỉ thị số 06/2008 của Bộ Y tế về việc “tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực y tế”  ngày 27/6/2008 đã quy định rõ: “Các trường hoặc cơ sở đào tạo chuyên ngành không thuộc về lĩnh vực y sinh học không được đăng ký mở ngành đào tạo nhân lực y tế”. Ngay cả việc liên kết đào tạo cũng được ghi rất rõ trong chỉ thị: “Các cơ sở đào tạo chỉ được phép thực hiện liên kết đào tạo với các đơn vị là các trường có chức năng đào tạo nhân lực y tế cùng trình độ và đã được phép đào tạo hệ chính quy tập trung ít nhất 1 khóa học ngành học sẽ liên kết” và việc liên kết đào tạo phải được sự đồng thuận của Bộ Y tế.
Đặc biệt trong Công văn số 1470/BYT-K2ĐT của Bộ Y tế ra ngày 23/03/2009 về việc “Đào tạo hệ vừa làm vừa học” đã chỉ rõ đối tượng tuyển sinh vào các ngành thuộc lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế theo hình thức đào tạo vừa học vừa làm là “các đối tượng đã tốt nghiệp ở một trình độ chuyên môn y tế và đang làm việc tại các cơ sở y tế, không áp dụng hệ đào tạo vừa làm vừa học mà đối tượng tuyển sinh là người tốt nghiệp THPT và tương đương”.
Vi phạm các quy định về đào tạo, tuyển sinh
Trao đổi với TS. Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được biết: Việc Trường TCCĐHN tuyển sinh trung cấp dược sĩ hệ đào tạo tập trung (2 năm) và hệ vừa làm vừa học (18 tháng) là vi phạm các quy định về đào tạo, tuyển sinh về ngành đào tạo nhân lực y tế của Bộ Y tế cũng như quy chế tuyển sinh, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. TS. Hoàng Hữu Niềm cũng bày tỏ những hoài nghi về chất lượng đào tạo trong các lớp trung cấp dược sĩ của Trường TCCĐHN khi khâu tuyển sinh quá “thoáng”. Ông Hoàng Hữa Niềm nhận định: Việc Trường TCCĐHN liên kết đào tạo hệ trung cấp dược sĩ nhiều khả năng do một số cá nhân tổ chức thuê, mượn chức danh để mở lớp đào tạo dược sĩ nhằm kinh doanh. Những sai phạm về mở lớp đào tạo trung cấp dược sĩ của Trường TCCĐHN là rõ ràng, hoàn toàn có thể áp dụng xử phạt theo Nghị định 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội chưa nhận được bất kỳ hồ sơ xin phép của Trường TCCĐHN về việc mở lớp đào tạo dược sĩ tại trường. Sở Y tế Hà Nội cũng rất bất ngờ về việc này. Ông Yên cho biết thêm: “Việc một trường không nằm trong khối ngành y tế mà thực hiện việc tuyển sinh và đào tạo dược sĩ thì hoàn toàn trái với các quy định của ngành y tế về đào tạo nhân lực y tế”.
Như vậy với việc tuyển sinh, đào tạo “trái nghề” không thuộc ngành quản lý, Trường TCCĐHN đã vi phạm những quy định của ngành y tế. Hệ lụy của nó sẽ rất lớn khi sinh viên tốt nghiệp nhưng tấm bằng dược sĩ kia không được công nhận. Hậu quả lớn hơn là những sinh viên đang theo học chuyên ngành này tại trường đã hao tiền, tốn của, mất thời gian lại có nguy cơ đối mặt với thất nghiệp sau tốt nghiệp.
Nhóm PVĐT
Theo suckhoedoisong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)