Hội nhậpThế giới 24h

Đá nhựa gây lo ngại đã xuất hiện khắp 5 châu

Tạp Chí Giáo Dục

Một loại đá nhựa đã được tìm thấy trên toàn cầu, khiến giới khoa học lo ngại về tác động đối với môi trường.

Theo kênh WION News, đây là các trầm tích chủ yếu được hình thành bằng cách nén các polyme đá và nhựa do con người thải ra. Cho đến nay, những tảng đá nhựa này đã được tìm thấy ở bờ biển và đất liền ở 11 quốc gia trên khắp 5 châu lục.

Những tảng đá nhựa kỳ quái này là dấu hiệu đáng báo động về tình trạng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Một nhà nghiên cứu nói với tờ Newsweek rằng những tảng đá này có hại cho sự bền vững của đại dương và sức khỏe con người.

Đã có một cuộc tranh luận trong cộng đồng khoa học về việc nên gọi những tảng đá nhựa này là gì. Một số thuật ngữ khác nhau được đề xuất mô tả cách các tảng đá nhựa phát triển theo những cách cụ thể.

Loại đá nhựa khiến giới khoa học lo ngại - Ảnh 1.

Một tảng đá nhựa. CHỤP MÀN HÌNH PHYS.ORG

Gần 10 năm trước, nhà địa chất học Patricia Corcoran thuộc Đại học Western University (Canada) là người cung cấp những thông tin ban đầu về đá nhựa ở bang Hawaii (Mỹ) và gọi nó là "plastiglomerate".

Trong khi đó, nhà khoa học Deyi Hou, phó giáo sư môi trường tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) gọi tên loại đá này là "plastistones". Theo ông, đá này thường xuyên được tìm thấy trên các bãi biển, cả trên đảo và bờ biển đất liền, trên khắp 5 châu lục.

Nhóm của ông Hou giải thích rằng đá nhựa có thể hình thành bằng nhiều phương pháp khác nhau. "Đốt nhựa là cơ chế thường được đề cập, trong đó các mảnh vụn nhựa tan chảy trong quá trình đốt lửa trại hoặc đốt chất thải, sau đó bám chặt vào bề mặt đá khi đã nguội đi".

Một cách khác mà những tảng đá nhựa này hình thành là khi dầu chứa một lượng lớn nhựa tràn ra bãi biển sau khi bị rò rỉ. Vật liệu này bám chắc vào nền đá chủ và sau đó trải qua quá trình bay hơi và hóa rắn một phần.

Ngoài ra, bức xạ ánh sáng mặt trời cũng là yếu tố gây ra quá trình oxy hóa nhựa, dẫn đến liên kết hóa học giữa nhựa và vật liệu đá.

Đá nhựa đã được tìm thấy ở Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Hawaii (Mỹ), Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Peru, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh.

Dù vậy, nguyên nhân trực tiếp đằng sau sự hình thành đá nhựa vẫn là do tình trạng ô nhiễm nhựa mà con người đang đổ ra môi trường. Theo nghiên cứu, con người xả ra khoảng 22-48 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. "Từ góc độ địa chất, khối lượng nhựa mà con người hiện đại thải ra không hề nhỏ", theo nhóm của ông Hou.

Theo dự đoán, những tảng đá nhựa này sẽ tiếp tục gia tăng như một phần của quá trình địa lý tự nhiên. Chúng có khả năng gia tăng ở những nơi ô nhiễm nhựa tồi tệ hơn, như thành phố, đất nông nghiệp phủ lớp phủ và các bãi rác thải nhựa.

Về tác hại, đá nhựa làm thay đổi cộng đồng vi sinh vật trong đất và môi trường lân cận, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái địa phương.

Tuy nhiên, tác động nguy hiểm nhất về những tảng đá nhựa này là chúng thải ra các hạt vi nhựa, những mảnh ô nhiễm cực nhỏ đã lan rộng ra toàn cầu và thậm chí xâm nhập vào cơ thể con người và động vật.

Theo ông Hou, các hạt vi nhựa được giải phóng sẽ trôi theo đại dương, xâm nhập vào cơ thể của con người và động vật cả trên cạn lẫn dưới nước thông qua việc tiêu thụ các loài cá bị "nhiễm nhựa".

Theo Khánh Như/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)