Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Đã nộp lệ phí xét tuyển nhưng hệ thống chưa ghi nhận, phải làm sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến vào ĐH, chẳng may thí sinh đã nhận thông báo trừ tiền nhưng hệ thống xét tuyển chưa ghi nhận được thì phải làm sao?

Đây là một trong những tình huống Bộ GD-ĐT đưa ra và kèm theo hướng giải quyết để thí sinh biết cách xử lý khi thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển ĐH năm nay.

Việc thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến là bắt buộc, sẽ được thực hiện sau 4 ngày nữa (từ 31-7), khi thí sinh cả nước hoàn tất đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm nay. Lệ phí xét tuyển sẽ dựa theo số lượng nguyện vọng đăng ký của các em.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT dự báo những tình huống có thể phát sinh và giải pháp trong quá trình thanh toán lệ phí. Thứ nhất, trong trường hợp, không nhìn thấy nút “thanh toán” tại giao diện đăng ký nguyện vọng thì theo Bộ nghĩa là tại thời điểm đó thí sinh không thuộc tỉnh/thành được mở theo lịch phân chia thời gian nộp lệ phí. Hoặc hệ thống thanh toán đang quá tải cần được tạm ẩn đi nhằm chống nghẽn.

Nếu chưa có tài khoản ngân hàng/ví điện tử, thí sinh đến điểm giao dịch của ngân hàng/ví điện tử để đăng ký tài khoản. Thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có thể đến các điểm bưu cục của VNPT Post hay Viettel Post để đăng ký tài khoản ví cũng như nạp tiền hoặc thanh toán hộ hoặc nhờ người khác thanh toán hộ.

Còn trường hợp thí sinh có tài khoản ngân hàng nhưng chưa đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, các em liên hệ ngân hàng để đăng ký dịch vụ hoặc nhờ người khác thanh toán hộ.

Đặc biệt, khi đã nhận thông báo trừ tiền trong tài khoản ngân hàng/ví điện tử đang sử dụng nhưng không nhận được thông báo thành công trên hệ thống xét tuyển, thí sinh liên hệ số hotline của kênh thanh toán hoặc tổng đài hệ thống xét tuyển để phản ánh và nhận hỗ trợ kiểm tra (tiền đã trừ của giao dịch này sẽ được hoàn lại sau).

Trong trường hợp thực hiện giao dịch thành công nhưng không tự động quay về trang hệ thống xét tuyển hoặc quay về nhưng yêu cầu đăng nhập, thí sinh đăng nhập lại hệ thống xét tuyển, kiểm tra trạng thái giao dịch thanh toán. Nếu trạng thái giao dịch thành công tức là thí sinh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí.

Còn khi không thể thực hiện giao dịch nộp lệ phí do hệ thống bị nghẽn, Bộ khuyến cáo thí sinh không nên cố gắng truy cập lại ngay mà chờ khoảng 15- 30 phút sau truy cập lại. Rà soát lại thông tin tài khoản ngân hàng/ví điện tử để thực hiện lại khi hệ thống trở lại bình thường. Gọi tổng đài hỗ trợ hệ thống xét tuyển hoặc báo cáo thầy/cô phụ trách công nghệ thông tin của trường phổ thông (nợi tiếp nhận hồ sơ) sau một số lần truy cập lại nhưng vẫn không thành công.

Khi thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến, nếu hệ thống bị nghẽn,  thí sinh có thể truy cập sau 30 phút nữa

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu thí sinh ghi nhớ các kênh thông tin hỗ trợ khi gặp vấn đề cần hỏi. Trong đó, khi cần hỗ trợ trong lúc thực hiện trên một kênh thanh toán cụ thể, các em liên hệ số hotline hiển thị trên trang thanh toán của kênh đó hoặc liên hệ tổng đài hỗ trợ Cổng Dịch vụ công Quốc gia: 1800 1096.

Khi cần hỗ trợ chung, thí sinh liên hệ tổng đài hỗ trợ hệ thống xét tuyển là 1800 8000 (nhánh số 2). Ngoài ra, thí sinh có thể liên hệ số điện thoại của trường phổ thông, thầy/cô phụ trách công nghệ thông tin của nhà trường có nhiệm vụ hỗ trợ thí sinh.

Sau đây là danh sách số điện thoại hỗ trợ của từng kênh thanh toán: Vietcombank: 1900 545413; Vietinbank: 1900 558868; Agribank: 1900 558818; BIDV: 1900 9247; SHB: 1800 588856; VPBank: 1900 545415; TPBank: 1900585885; Ngân lượng: 1900 585899; KeyPay: 1900 636290; Payoo: 1900 636290; Napas: 024.3637.5079; Hpay: 1900 0128; Momo: 1900 545441; Viettel Money: 1800 9000.

Trước khi hỏi, thí sinh cần ghi lại các thông tin cần hỗ trợ để liên hệ hỏi đáp một lần. Tại một thời điểm thí sinh chỉ đăng nhập hệ thống xét tuyển trên một thiết bị, không sử dụng tài khoản để đồng thời đăng nhập hệ thống xét tuyển trên nhiều thiết bị khác nhau.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)