Các cơ sở sản xuất đều treo biển đá sạch, đá tinh khiết nhưng thực tế trong xưởng sản xuất đá lại… siêu bẩn. Chỉ cần chứng kiến một lần người ta sẽ “rợn người” khi thưởng thức những cốc chè, cốc sinh tố… có đá xay.
Đá viên, đá xay tràn ra đất bẩn
Đến cơ sở ĐA sản xuất đá viên tinh khiết được cấp phép của Sở Y tế tại phố Hoàng Ngân, Hà Nội để tìm hiểu công nghệ làm đá tinh khiết, chúng tôi bị chủ cơ sở sản xuất đuổi quầy quậy, thậm chí đe dọa nếu như không đi. Ngoài cổng treo biển sản xuất nước đá viên to đùng nhưng bên trong xưởng sản xuất chỉ là một cái ngách thừa chừng 3 – 4m² tận dụng giữa nhà và công trình phụ. Máy làm đá không che chắn, bụi bận, rỉ sắt, túi đựng đá vứt vương vãi…
|
Đá xay trong những cốc sinh tố bắt mắt này liệu có tinh khiết?
|
Trong vai người đi đặt đá cho nhà hàng, chúng tôi có mặt tại hai cơ sở sản xuất đá sạch T.L trên phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội). Không có biển hiệu, ngay cổng vào cơ sở này là nhà vệ sinh không cửa. Trong khu lán xập xệ là các xe máy cà tàng chở đá cáu bẩn với những bao tải đen sì đặt ngổn ngang. Cả 4 công nhân cởi trần, mặc quần đùi trông nhớp nháp. Toàn bộ các trang thiết bị, dây chuyền được bố trí trong gian nhà cấp bốn rộng chừng 50 – 60m² dựng tạm, nước làm đá được đưa từ giếng khoan lên bể cấp phía trên với những mảng tường ố vàng, phía dưới khu sản xuất là các vũng nước nhày nhụa lẫn rác bẩn. Đá tuôn ra được các công nhân không mang găng tay, không mặc đồ bảo hộ, chân đi dép lê… điềm nhiên xúc vào túi. Đá viên, đá xay tràn ra đất bẩn vẫn được xúc vào túi đem giao. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, cơ sở có đủ giấy phép, mỗi ngày sản xuất 20 tấn đá giao cho các quán giải khát với giá 7.500đ/kg.
Đá "sạch" ra đời trong ẩm mốc, hôi hám, bụi bẩn
Còn ở xưởng sản xuất đá T.A ngay bên cạnh, chỗ giao đá chỉ khoảng 5m². Đi sâu vào hành lang tối hẹp, vào bên trong, sẽ thấy hai chiếc máy sản xuất đá được đặt trong không gian đầy mùi ẩm mốc, hôi hám. Đá làm ra chưa tiêu thụ hết, được chất đống trên nền đất, phủ bao tải… Chủ cơ sở ở đây khoe, đá được làm từ nước máy, đưa lên giàn lọc RO nhưng chỉ bán với giá 5.000đ/kg. Tuy nhiên, theo quan sát và tìm hiểu từ những người dân xung quanh thì chúng tôi được biết đá được làm từ nước giếng khoan.
Kinh khủng nhất là cơ sở sản xuất nhất đá cây và đá tinh khiết trên phố Linh Lang (Ba Đình, Hà Nội) và cơ sở HO-HD ở Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Các cơ sở này nằm ngay cạnh con mương chứa nước thải đen kịt quyện với rác thải sinh hoạt. Nơi đây vừa sản xuất đá cây và đá viên nên nước được bơm thẳng từ giếng khoan vào các khay làm đá.
Thực tế đá tinh khiết và đá cây cũng không có gì khác nhau. Tất cả các cơ sở sản xuất được khảo sát đều làm theo kiểu “nhiều không”: Không bảo hộ lao động, không che chắn, nhân viên không đeo găng tay, không khẩu trang, phễu đựng đá không được che đậy khiến cho bụi bặm, ruồi nhặng có thể bay vào bất cứ lúc nào.
Kinh sợ nhất là những cây đá to tướng được người ta tha hồ chân dép dẫm lên, được cho vào máy xay đá để giao cho quán chè, quán nước sinh tố. Theo chân những nhân viên giao đá, chúng tôi đã đến quán chè trên phố Giảng Võ thì thấy, các nhân viên ở đây mang ngay tảng đá vừa được giao vứt dưới đất cho vào bao tải, dùng chày nện lấy nện để thành đá vụn cho vào cốc chè của khách. Khi được hỏi, không thấy bẩn sao, nhân viên này hồn nhiên trả lời, chỗ dính bẩn đá tan thành nước chảy cả rồi…
Theo Bee.net.vn
Tin liên quan
Chiều 9-1, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ...
Tối 7-1, Saigontourist Group đã thông tin về Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Non sông gấm...
Ngày 3-1-2025, Trường Trung cấp Quốc tế Mekong phối hợp với UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ và phòng...
Trong năm 2024 vừa qua, những nghệ sĩ này đã ghi điểm với khán giả qua những vai diễn ấn tượng, đồng...
Bình luận (0)