Nói tiếng Anh bằng giọng Việt, còn kém chuẩn 3, 4 bậc… là những hạn chế của giáo viên ngoại ngữ được Sở GD&ĐT chỉ ra tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân sáng 19/10.
Lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM cho biết, 11 năm qua, thành phố đã đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học chưa rõ ràng. Đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là phương pháp dạy lạc hậu (như học chỉ để đi thi) khiến việc sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp.
"Theo kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Trung tâm giáo dục Apollo về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát thì học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc, nhưng lại xếp thứ 18-19/20 về khả năng nghe nói. Chính vì thế việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông cần được quan tâm đặc biệt", lãnh đạo Sở giáo dục TP HCM nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nêu thực tế, dù đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trong tỉnh đã đủ về số lượng, 100% đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng chất lượng không đồng đều. Ở Hải Dương, số giáo viên tiếng Anh học ở các trường ngoại ngữ chính quy có chất lượng còn ít, phần lớn được đào tạo theo hình thức không chính quy hoặc giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh.
Ông đánh giá năng lực ngoại ngữ và giảng dạy của phần lớn giáo viên còn hạn chế. Thực tế khảo sát ở tỉnh này cho thấy tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu khá cao, một số nhỏ có trình độ thấp hơn chuẩn 3-4 bậc.
Số lượng học sinh đông khó có thể tiếp thu tốt trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy. |
"Bên cạnh trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng, nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao và chưa có cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng của chuyên gia có kinh nghiệm", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho hay.
Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam Trần Minh Cả cho biết, ở tỉnh giáo viên thiếu nhiều, chất lượng còn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, số học sinh trong mỗi lớp học còn đông, lại không có điều kiện giao lưu, thực hành. "Giáo viên ngoại ngữ còn nói tiếng Anh theo giọng Việt, người nước ngoài nghe câu hiểu câu không. Vậy thì làm sao học sinh có thể học tốt", ông phân tích.
Ông Cả kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần huấn luyện phương pháp giảng dạy đặc thù cho giáo viên mỗi cấp theo hướng rèn luyện kỹ năng, ngôn ngữ. Giờ học ngoại ngữ cũng nên chia nhỏ lớp học ra thành các lớp 16-20 em. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường nguồn giáo viên bản địa là những tình nguyện viên người nước ngoài và tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh được đi tu nghiệp 3-6 tháng tại các nước sử dụng tiếng Anh.
Sở Giáo dục Hải Dương cũng đề xuất, Bộ cần hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí các cơ sở tham gia dạy thí điểm và dạy chính thức chương trình mới, đảm bảo phải có đủ số lượng và trình độ giáo viên. Bộ cần xây dựng các nguồn tư liệu mở giúp giáo viên tự bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ, đảm bảo đánh giá được đầy đủ kiến thức, kỹ năng học sinh đã học trong chương trình.
Tham dự hội nghị, đại diện ĐH Hà Nội cũng cho rằng, để thực hiện tốt đề án dạy và học ngoại ngữ trong nền giáo dục quốc dân cần nâng cao năng lực và phương pháp sư phạm của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích những người giỏi làm giảng viên như có học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài, tăng thù lao giờ dạy…
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 nhằm chuyển từ việc dạy ngoại ngữ như một môn học sang dạy như một công cụ để sống, làm việc và hội nhập quốc tế, biến ngoại ngữ từ điểm yếu thành điểm mạnh của Việt Nam.
Theo Phó thủ tướng, trong những năm tới cần cố gắng đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong các môn học, biến nó thành một công cụ học tập. Ông đề nghị Bộ Giáo dục đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho các trường ngoại ngữ đào tạo đội ngũ giáo viên cho trường mình và cho các địa phương, hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi thi ngoại ngữ.
Bộ Giáo dục cũng cần làm việc kỹ hơn với các đơn vị cung cấp công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm dạy ngoại ngữ trên mạng. Bên cạnh đó, cần có chương trình, cách thức kêu gọi, thu hút giáo viên giỏi, phân bổ cả giáo viên tới các vùng miền. "Tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ phải có một lần đi ra nước ngoài một hoặc hai tuần tại các trường có trình độ tương đương xem cách dạy của họ như thế nào để rút ra kinh nghiệm", Phó thủ tướng nói.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học sao cho đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.
Kinh phí dự toán để thực hiện dự án là 9.378 tỷ đồng. Vốn được lấy từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý quy định tại Luật Ngân sách hiện hành; các nguồn vốn vay, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
|
Theo Hoàng Thùy
(vnexpress)
Bình luận (0)