Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Đã sử dụng 60% dung lượng Vinasat 1

Tạp Chí Giáo Dục

Một năm sau khi vệ tinh viễn thông Vinasat 1 được phóng lên quỹ đạo, ngày 19-4, thông tin từ Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) – đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh vệ tinh, cho biết VTI đã bán cho các đối tác trong, ngoài nước được trên 70% dung lượng của vệ tinh, trong đó có 60% dung lượng đã được đưa vào sử dụng.

Chảo thu phát tín hiệu vệ tinh Vinasat tại trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương, Hà Nội – Ảnh: K.H.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh – giám đốc VTI, Vinasat 1 có 12 bộ phát đáp trên băng Ku (một bộ truyền dẫn được 16 kênh truyền hình) thì cả 12 bộ đã được bán hết và có khoảng 80 kênh truyền hình đang được truyền dẫn qua Vinasat 1. Băng Ku có diện phủ sóng chủ yếu ở VN và những nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, một phần Myanmar nên rất phù hợp cho các dịch vụ quảng bá đến tận hộ gia đình. Trong khi đó, băng C có diện phủ sóng rộng hơn, bao gồm các nước Đông Nam Á, đông Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, quần đảo Hawaii nên thích hợp với việc phục vụ nhu cầu truyền dẫn cho các mạng thông tin viễn thông.

Ông Khánh cho biết hiện đã bán được ba trong tổng số tám bộ phát đáp của băng tần này. Ngoài ra, theo ông Khánh, băng C được VTI xác định phục vụ cho an ninh quốc phòng nên các khách hàng sẽ là những đơn vị thuộc ngành công an, quân đội. 

Hiện tại khách hàng sử dụng Vinasat 1 gồm các đài truyền hình lớn trong nước như Đài truyền hình VN (VTV), Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Tiếng nói VN, các doanh nghiệp khai thác dầu khí, kinh doanh viễn thông cùng một số đối tác nước ngoài như Thaicom, LaoTelcom, WebsatMedia…

Mặc dù mới chỉ có 60% dung lượng Vinasat 1 được sử dụng nhưng ông Lâm Quốc Cường, phó giám đốc VTI, cho rằng hơn 10% số dung lượng đã bán cũng coi như đã đem lại hiệu quả, bởi các đơn vị ký hợp đồng phải đặt một khoản tiền nhất định để giữ chỗ.

Trong một thời gian nhất định, nếu các đơn vị này không đưa số dung lượng đã mua vào khai thác thì sẽ bị thu hồi. Dự kiến năm 2010, VTI sẽ bán hết dung lượng vệ tinh còn lại thay vì thời hạn năm 2011 như trước. Việc sớm đưa vào khai thác hết dung lượng Vinasat 1 cũng cho phép rút ngắn thời gian thu hồi vốn từ 11 năm xuống còn 9-10 năm.

Ông Khánh cũng cho biết cùng với việc bán hết số dung lượng vệ tinh, trong năm nay VTI sẽ xây dựng phương án đưa Vinasat 1 vào phục vụ phòng chống bão lụt, thiên tai.

Mặc dù đã hoạt động được một năm song giá thuê dung lượng trên Vinasat 1 vẫn bị đánh giá là đắt hơn so với giá thuê của các vệ tinh nước ngoài. Ông Khánh nói: “Nếu tính theo giá của các vệ tinh trong khu vực đã khấu hao hết và cho rằng giá vệ tinh Vinasat 1 phải thấp như thế thì việc kinh doanh là không hiệu quả, vì vệ tinh Vinasat 1 chất lượng đang tốt và chúng tôi phải cân đối giữa nhiệm vụ kinh doanh và phục vụ công ích, phục vụ nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Trong khi đó, ông Lâm Quốc Cường cho rằng với một vệ tinh mới đưa vào sử dụng và các thông số kỹ thuật đảm bảo như Vinasat 1 thì chất lượng dịch vụ cung cấp qua vệ tinh cũng sẽ tốt hơn so với dịch vụ qua các vệ tinh đã hết thời gian khấu hao, sắp hết hạn sử dụng. Ngoài ra, theo ông Cường, một vệ tinh còn tuổi thọ nhiều như Vinasat 1 sẽ giúp các doanh nghiệp triển khai dịch vụ dễ dàng hơn so với các vệ tinh sắp “chết”.

K.HƯNG (Theo TTO)

Bình luận (0)