- 1 Đã xuất hiện điểm 9,5 trong chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn ngữ văn
Sau 4 ngày chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, môn ngữ văn – môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi, các giám khảo cho biết TP.HCM đã xuất hiện một số bài làm đạt 9,5 điểm. Điểm của thí sinh năm nay cao hơn so với năm trước.
Không còn tình trạng viết văn dài lê thê
Giám khảo cho biết được quán triệt việc chấm thi môn ngữ văn theo đáp án và hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT. Trong đó, chú ý đánh giá nội dung bài làm của thí sinh theo hướng mở, khuyến khích sáng tạo, tránh áp đặt.
Đối với những bài làm có ý tưởng riêng, cách diễn đạt, triển khai khác với đáp án, giám khảo sẽ xem xét tính thuyết phục của bài viết để chấm điểm sao cho hợp lí.
Một điểm mới trong việc chấm thi năm nay, giám khảo sẽ trừ điểm đối với bài mắc nhiều lỗi (diễn đạt, chính tả, dùng từ và viết câu).
Các giám khảo đánh giá, điểm khác rất rõ giữa bài làm năm nay so với mọi năm, đó là chưa thấy trường hợp thí sinh viết bài văn dài lê thê đến 9-10 trang giấy.
Giám khảo cũng không cảm giác nhàn chán khi chấm bài vì ngữ liệu đề thi môn ngữ văn ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.

Đã xuất hiện điểm 9,5, nhiều bài viết sáng tạo
Theo nhận định của nhiều giám khảo, dù là lứa học sinh đầu tiên thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2018 song điểm ngữ văn năm nay của học sinh khá tốt. Qua 4 ngày chấm nhận thấy điểm dưới trung bình rất ít và điểm trên 8 khá nhiều. Đã xuất hiện các bài đạt 9; 9,25; 9,5. Phổ điểm dao động từ 6,5-8.
“Đề thi năm nay khá nhẹ nhàng, đáp án cũng gợi mở. Phổ điểm dự đoán có thể sẽ nhỉnh hơn năm trước, dao động ở mức 7-8. Sau mấy ngày chấm thi thì điểm dưới trung bình rất ít. Bài viết đạt 9,5 viết rất chạm đáp án, phần viết rất chỉn chu, đầy đủ ý, thể hiện kỹ năng làm bài rất tốt của thí sinh”.
Theo ghi nhận của giám khảo, ở phần Đọc hiểu, đa số thí sinh đều trả lời đúng yêu cầu ở câu hỏi nhận biết.
Cụ thể, câu 1: Đoạn trích “Những vùng trời khác nhau” (Nguyễn Minh Châu) được kể theo ngôi thứ ba (0,5 điểm).
Câu 2: Hai dòng sông: Dòng sông quê hương Lê: sông Lam và dòng sông quê hương Sơn: sông Hồng (0,5 điểm).
Câu 3, thí sinh đã chỉ ra được biện pháp tu từ so sánh: “Đại đội pháo” được ví như “gốc cây đã lớn, nhựa ứ đầy, tỏa thành hai nhánh” và phân tích được một số tác dụng của biện pháp tu từ này, đạt mức 0,75-1 điểm.
Câu 4, thí sinh nêu được vai trò của chi tiết “Họ chia nhau tấm giát nằm, vài tấm áo sặc mùi thuốc đạn và chia nhau bầu trời Tổ quốc trên đầu” trong việc thể hiện nội dung văn bản.
Đó là, chi tiết này góp phần tô đậm tình đồng đội, đồng chí của những người lính: chia sẻ, yêu thương, cùng nhau vượt qua gian khó. Đề cao ý thức trách nhiệm của người lính trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đạt mức 0,75-1 điểm.
Câu 5, thí sinh cơ bản chỉ ra được điểm tương đồng giữa hai ngữ liệu: Sự gắn bó, yêu thương của con người với những vùng đất mình đã đi qua, đã sống khiến những miền đất xa lạ trở nên gần gũi, trở thành một phần tâm hồn. Đó là cơ sở để hình thành, mở rộng, khơi sâu tình yêu quê hương, đất nước, đạt mức 0,75-1 điểm.
Số điểm thí sinh đạt được ở phần Đọc hiểu dao động từ 3-4 điểm. Thí sinh trả lời sơ sài đạt mức từ 1,75-2,25 điểm.
Ở phần viết, câu viết đoạn văn nghị luận văn học (2 điểm), giám khảo nhận thấy thí sinh đã biết cách viết một đoạn văn ngắn, đảm bảo dung lượng (cho phép cộng/trừ khoảng 100 chữ) và triển khai được vấn đề cần nghị luận: Phân tích tình cảm của Lê dành cho Sơn trong văn bản ở phần Đọc hiểu (“Những vùng trời khác nhau”, Nguyễn Minh Châu).
Tuy vậy, nhiều thí sinh chưa nhận xét nghệ thuật của đoạn trích. Điểm thí sinh đạt được ở câu nghị luận văn học từ 1-1,5 điểm.
Đáng ghi nhận, có những bài viết sáng tạo, tức là thể hiện được ý tưởng cá nhân, có cách nhìn mang đậm cá tính, đạt mức 1,75/2 điểm.
Câu viết bài văn nghị luận xã hội yêu cầu: Từ kết quả đọc hiểu văn bản “Những vùng trời khác nhau” và những hiểu biết về bối cảnh đất nước đang có nhiều thay đổi lớn lao, hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) với chủ đề: vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.
Thí sinh được phép viết bài văn có độ dài từ 400 chữ đến 800 chữ. Giám khảo cho biết, câu hỏi này có độ mở rất rộng, thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm, vì thế góc nhìn của giới trẻ rất đa dạng, phong phú.
Đa số thí sinh giải thích được khái niệm “vùng trời quê hương”, “bầu trời Tổ quốc”. Từ đó khẳng định sự thống nhất giữa các miền quê – bất kì miền quê nào trên đất nước này cũng đều là Tổ quốc Việt Nam.
Cùng với đó, thí sinh đã phân tích, chứng minh được vấn đề nghị luận để trả lời câu hỏi: Vì sao mọi vùng trời quê hương đều là bầu trời Tổ quốc?
Nhưng, ít thí sinh mở rộng, nâng cao được vấn đề nghị luận theo hướng: “quê hương” có thể thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể; đối thoại với những suy nghĩ hạn hẹp, địa phương mang tính cục bộ.
Điểm thí sinh đạt được ở câu nghị luận văn học từ 2,25-3,25 điểm. Một số bài viết tốt đạt mức từ 3,5-3,75/4,0 điểm.
“Với chủ đề “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” trong đề thi học sinh viết khá tốt. Nhiều bài viết đã có những liên tưởng thực tế để làm dẫn chứng rất sáng tạo, nhanh nhạy: Đó là quá trình sáp nhập các tỉnh thành; tinh thần không kỳ thị vùng miền đó. Phần viết đoạn văn nghị luận văn học, nhiều bài viết đã thể hiện được sự liên kết, xâu chuỗi được các tác phẩm với cùng chủ đề mà học sinh đã được học trong chương trình THCS, lớp 9. Ví dụ như bạn liên hệ tình cảm đồng chí giữa Lê với Sơn với tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí” – một giám khảo nhận định.
Yến Hoa
Bình luận (0)