Nhà văn Trần Quang Nghiệp sinh năm 1907 tại làng Bình Thạnh, xã Bình Cách, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Ông là con trai thứ tư của cụ Trần Quang Xuân (còn gọi là Phủ Xuân hay Phủ Cầm), một điền chủ tân học ở Mỹ Tho và thân mẫu là bà Dương Thị Quý.
Tuổi thiếu niên, ông học tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho). Sau đó, ông lên Sài Gòn học và dự định sẽ ra Hà Nội tiếp tục học thêm. Thời gian này (khoảng cuối năm 1927, lúc 20 tuổi), Trần Quang Nghiệp bắt đầu viết truyện. Ông viết thật nhanh, thật nhiều và cũng thật hay; lần lượt cho đăng trên các báo Thần Chung, Đông Pháp thời báo, Trung lập, Công luận báo. Với phong cách độc đáo và lối hành văn mới mẻ, truyện của ông thu hút rất nhiều độc giả. Các nhà in nhanh chóng cho in thành sách kèm các mẫu quảng cáo để phổ biến rộng rãi hơn. Từ đó, cái tên “cậu Năm nhà văn” trở thành tên gọi thân mật của ông.
Sau khoảng 10 năm cầm bút với niềm say mê sáng tạo, tác giả Trần Quang Nghiệp đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Trong quá trình hình thành câu văn hiện đại, tác giả Trần Quang Nghiệp có biệt tài sử dụng khẩu ngữ, phương ngữ Nam bộ (PNNB) để cá tính hóa dấu ấn tính cách nhân vật. Văn học quốc ngữ Nam bộ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn Nam bộ tung hoành, phát huy sở trường, sở đoản của mình trong quá trình khắc họa, xây dựng tính cách nhân vật. Khẩu ngữ, phương ngữ được tác giả đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên, nhuần nhị, góp phần không nhỏ vào việc làm tăng tính chân thực của tính cách nhân vật. Hơi thở của cuộc sống đời thường được phả vào từng trang sách nên những câu chuyện dưới ngòi bút Trần Quang Nghiệp sống động, lung linh hơn. Nếu một số tác giả cùng thời kỳ đưa khẩu ngữ, PNNB với một tần suất khá dày đặc thì tác giả Trần Quang Nghiệp đã có sự chọn lọc, sắp xếp; đưa vào đúng lúc, đúng nơi, phù hợp tính cách nhân vật. Do vậy, mạch văn của truyện ngắn Trần Quang Nghiệp luôn trôi chảy, giọng văn nhẹ nhàng mà có chiều sâu lắng đọng. Câu văn có sự trau chuốt, khá gọn, chuyển tải được nội dung biểu hiện. Tác giả có ý thức trong việc sử dụng các biện pháp tu từ để miêu tả, khắc họa những nét độc đáo của các nhân vật trong truyện. Chẳng hạn, trong truyện “Ai muốn làm giàu”, khi tác giả dùng khẩu ngữ để miêu tả tính cách của một kẻ khôn ranh, quỷ quyệt: “Xin hãy xem truyện dưới đây thì biết chàng nầy khôn quỷ là dường nào”; hoặc miêu tả một ông già tuy có tuổi nhưng vẫn còn mang tật xấu thì tác giả dùng cách nói của dân gian: “Ông đã già nhưng ông còn một tật mà mọi người xa gần đều biết là tật hảo ngọt” (Ba cô áo trắng), hoặc khi khắc họa về nhân vật “chú Xình” trong truyện ngắn “Đi coi hát mất vợ”. Chú này có tư cách thiếu đàng hoàng nên bị từ hôn bất ngờ: “Chú Xình thì nói tại coi hát, thím Ngánh nói tại khều chơn, còn người chép truyện thì nói tại cô Hai Tâm không ưa mấy chú dê”. Ở đây, những khẩu ngữ trong đời sống thường ngày chỉ là lời nói bình thường trong sinh hoạt nhưng một khi được sử dụng đúng lúc, đúng nhân vật thì khẩu ngữ ấy được nâng lên một cấp độ cao hơn. Do đó, người đọc cảm thấy thấm thía hơn khi tác giả “nhìn mặt đặt tên” được thần thái của các nhân vật qua các khẩu ngữ quen thuộc như “khôn quỷ”, “hảo ngọt”, “khều chơn”, “chú dê”… Bên cạnh đó, PNNB được sử dụng, thể hiện trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp với “tư cách” là ngôn ngữ nghệ thuật, góp phần tô đậm, khẳng định tính cách của nhân vật. Điểm thành công đáng ghi nhận là tuy trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp sử dụng nhiều phương ngữ của vùng đất mới nhưng độc giả các vùng miền khác vẫn hiểu, vẫn cảm nhận được cái hay, cái độc đáo của nó. PNNB rất giàu hình tượng, bởi nó xuất phát từ đời sống thực, con người thực nơi vùng đất mưa thuận gió hòa, nơi cuộc sống con người phóng khoáng… Tác giả Trần Quang Nghiệp đã đưa PNNB vào tác phẩm một cách có ý thức, nhuần nhị như nó vốn có trong cuộc sống. Chẳng hạn, miêu tả ông Hương Hào trong truyện “Số bạc mười ngàn”, tuy không được em cháu mời đám cưới nhưng ông vẫn từ Biên Hòa về dự vì còn nghĩ đến tình ruột thịt: “Một chiếc xe ngựa đậu ngay trước cửa, ông già sồn sồn ngồi trên xe lật đật xách dù ôm gói, bước xuống móc hầu bao trả tiền xe rồi xung xăng bước vô”… Một loạt phương ngữ “ông già sồn sồn”, “xách dù ôm gói”, “móc hầu bao”, “xung xăng” khắc họa được hình ảnh ông Hương Hào tuy tuổi cao nhưng vẫn luôn sốt sắng, hồ hởi đi xe ngựa về dự đám cưới cháu mình. Hoặc khi anh Lâm Hữu Vọng trong truyện “Giả thiệt là ai?” lỡ nhận bừa là “chủ bút” một tờ báo lớn được chủ nhà “thật tình mà thành ra chơi ác” dẫn ông “chủ nhiệm” vừa ghé trước đó ít lâu ra gặp mặt: “Túng quá anh không biết phải làm sao phải làm tỉnh giở nón ra bắt tay người nọ. Ông chủ nhiệm ngó anh một cách lơ là, bộ tướng của ổng có vẻ bơ thờ lợt lạt làm cho anh càng lo nghĩ hơn nữa (…). Bây giờ ngồi trong nhà ấy, trên ghế ấy là ngồi trên chông trên gai, ngó ông chủ nhiệm và ông chủ nhà là ngó ma ngó quỷ, trong bụng không yên đặng một phút nào, ý anh muốn kiếu mà lui nhưng cái xe sửa chưa xong, còn nằm chình ình đó mãi. Thừa khi chủ nhà vào trong, anh mau xề lại gần ông chủ nhiệm mà tỏ rằng…”. Có nhiều trường hợp tác giả sử dụng một số phương ngữ để miêu tả tính cách thật thà của người dân quê xưa. Chẳng hạn “Lâu quá em không gặp anh, hôm trước em đi Sài Gòn có kiếm nhà anh mà không đặng. Chồng em nó chết rồi nhưng vì không biết anh ở đâu mà cho hay; bữa nay may có người chỉ em mới biết mà gởi cho anh thơ nầy. Cũng trong tháng nầy em sẽ lên thăm anh và dắc thằng bè theo luôn thể…” (Người đàn bà ghen).
Là người con của mảnh đất Nam bộ, tác giả Trần Quang Nghiệp luôn có ý thức trong việc lựa chọn PNNB để tạo nên sắc thái riêng cho tác phẩm của mình. PNNB giàu sắc thái biểu cảm, đôi khi đậm đà sắc màu dân dã nhưng không kém phần sâu lắng khi hóa thân vào tác phẩm. Đọc từng truyện ngắn của ông, người đọc cảm nhận được mạch ngầm PNNB hòa vào dòng chảy chung của ngôn ngữ nghệ thuật. Sự hiện diện của PNNB trong mỗi dòng, mỗi câu đã hóa thành máu thịt của tác phẩm, không thể thiếu vắng được. Nếu thiếu nó, bản sắc riêng của vùng miền sẽ nhạt nhòa theo khói sương năm tháng.
Thời gian càng lùi xa, thưởng thức lại truyện ngắn Trần Quang Nghiệp, người đọc vô cùng thú vị khi được sống trong thời gian, không gian Nam bộ vào nhưng năm đầu của thế kỷ XX. Phương ngữ là chất keo kỳ diệu kết dính giữa quá khứ và hiện tại. Ngoài ra, cách diễn đạt khá gần với thành ngữ, tục ngữ của PNNB là một biểu hiện sinh động của ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. PNNB thật sự làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ văn học quốc ngữ Nam bộ. Chẳng hạn, người đọc luôn gặp những từ ngữ quen thuộc của PNNB như “hết trọi”, “bội thầy phản bạn”, “đánh vợ chưởi con”… (Người thương của tôi); “răng long tóc bạc”, “lưng mỏi gối dùn”, “văng kết xù đầu”, “xẻn lẻn”… (Gặp người gái đẹp); hoặc các phương ngữ rất gợi hình, nếu thiếu nó người đọc khó hình dung được tính cách nhân vật như “phì phà”, “ngồi dốc vích”, “xung xăng”, “chình ình”… (Giả thiệt là ai?); “thọc lét”, “rắn mắt”, “ngó thét”, “hốp tốp”… (Tấm hình của ai?); “ôm đào ấp nguyệt”, “cợt phấn cười son”, “cúm núm”, “lật bật”… (Tủi phận thuyền quyên)… Tính hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp biểu hiện trên nhiều phương diện, trong đó PNNB đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng tính cách nhân vật, miêu tả sinh động tâm lý nhân vật. Tuy vậy, việc sử dụng phương ngữ trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp cũng không tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết vì đôi khi nó chỉ được sử dụng trong một địa phương, một cộng đồng dân cư nhất định. Do đó, có lúc còn khó hiểu hoặc hiểu chưa thật sát nghĩa, chưa thật thấu đáo ý nghĩa phương ngữ qua ngôn ngữ nhân vật…
Có thể khẳng định rằng: phương ngữ trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp cũng như trong văn học quốc ngữ Nam bộ đầu thế kỷ XX là những hạt phù sa quý giá, góp phần vun bồi nên cánh đồng ngôn ngữ văn học nước nhà. Những thành tựu trong việc sử dụng phương ngữ để tạo nên bản sắc riêng của tác giả Trần Quang Nghiệp là điều cần phải được ghi nhận thỏa đáng. Cùng với các nhà văn đương thời, tác giả Trần Quang Nghiệp đã để lại dấu ấn của mình qua từng trang truyện ngắn đậm đà màu sắc Nam bộ. Mỗi phương ngữ đều có vẻ đẹp, vẻ lấp lánh riêng như nhà văn Raxun Gamzatôp (tác giả Đaghextan của tôi) đã viết: “Đối với tôi, ngôn ngữ của các dân tộc như các vì sao trên bầu trời. Tôi không muốn nhiều vì sao hợp lại thành một vì sao chiếm nửa bầu trời. Đã có mặt trời rồi. Hãy để cho các vì sao lấp lánh. Hãy để cho mỗi người đều có riêng một vì sao”.
ThS. Lê Đức Đồng
Bình luận (0)