Hàng loạt quan chức cấp cao của Indonesia và Venezuela đang bị điều tra vì dính dáng đến tham nhũng
Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) hôm 2-12 đã thẩm vấn Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Jero Wacik với tư cách nhân chứng trong vụ bê bối tham nhũng dính đến ngành dầu khí nước này.
Đe dọa uy tín tổng thống
Cuộc điều tra với mục đích làm rõ các cáo buộc nhận hối lộ nhằm vào ông Rudi Rubiandini – người đứng đầu SKKMigas, cơ quan quản lý và điều hành ngành dầu khí Indonesia. Quan chức này, một thành viên Đảng Dân chủ cầm quyền, đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào đến vụ tham nhũng có thể chôn vùi sự nghiệp của các quan chức dầu khí hàng đầu. Sau khi đến trụ sở KPK ở thủ đô Jakarta, ông Wacik tuyên bố: “Tôi chỉ đến đây theo lệnh triệu tập của KPK để giải thích về một vụ án đang bị điều tra”.
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Jero Wacik Ảnh: EPA
SKKMigas lâm vào cảnh hỗn loạn kể từ tháng 8-2013 khi chủ tịch Rubiandini bị bắt vì tội nhận hối lộ hơn 1 triệu USD từ Công ty Kernel Oil (Singapore) để giúp doanh nghiệp này xâm nhập ngành công nghiệp dầu trong nước dễ dàng hơn. Không lâu sau đó, ông Waryono Karno, Tổng Thư ký Bộ Năng lượng và Tài nguyên, cùng với 3 quan chức cấp cao của SKKMigas bị cấm xuất cảnh do nghi dính líu đến vụ việc. Các nhân viên điều tra đã tìm thấy 200.000 USD tại văn phòng của ông Karno.
Đây là vụ bê bối tham nhũng đầu tiên dính đến các quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Indonesia, qua đó có thể cản trở nỗ lực thu hút thêm nhiều công ty năng lượng quốc tế đến làm ăn do e ngại môi trường đầu tư thiếu lành mạnh. Vào cuối tuần rồi, Phó Tổng thống Boediono cũng bị KPK thẩm vấn liên quan đến vụ giải cứu một ngân hàng vào năm 2009, thời điểm ông còn là thống đốc Ngân hàng Trung ương. Những vụ việc như trên đe dọa uy tín của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ cũng như cơ may chiến thắng của đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào năm tới.
Nghi án rút ruột 60 tỉ USD
Tại Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro hôm 1-12 thông báo quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra thông tin cho rằng các doanh nghiệp và công chức nhà nước đã rút ruột khoảng 20-60 tỉ USD trong 2 năm gần đây. Phát biểu trên truyền hình, ông Maduro cho biết ủy ban này có sự tham gia của các nghị sĩ, kiểm toán viên và cơ quan an ninh, với nhiệm vụ điều tra tính xác thực của vụ việc mà ông cho là nghiêm trọng.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ông Maduro khẳng định sẽ công khai tên tuổi tất cả các quan chức đã nhận hối lộ để làm ngơ cho các doanh nghiệp ăn cắp tiền nhà nước trong 2 năm qua, nếu có. Ông cũng thông báo kể từ nay trở đi, tất cả các doanh nghiệp bắt buộc phải ký “hợp đồng cam kết” sử dụng đúng mục đích các khoản ngoại tệ được chính phủ cung cấp.
Ông Chu Vĩnh Khang “bị bắt”
Tờ United Daily News của Đài Loan hôm 2-12 đưa tin cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã bị bắt 1 ngày trước đó vì tội tham nhũng. Giới truyền thông Trung Quốc chưa lên tiếng về vụ việc.
Hôm 21-10, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn một số nguồn tin cao cấp tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị đặc biệt do ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, đứng đầu để điều tra vụ tham nhũng liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang.
Giới quan sát cho rằng việc điều tra chính trị gia 72 tuổi này sẽ tập trung vào hành vi tham nhũng trong thời gian ông phụ trách ngành xăng dầu, làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Bí thư Ủy ban Chính pháp (từ 2007 – 2012). Các nhà điều tra sẽ xem xét liệu ông Chu và gia đình, đặc biệt là người con trai Chu Bân, có trục lợi thông qua các mỏ dầu và giao dịch bất động sản hay không.
Theo NLĐ
Bình luận (0)