Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại biểu Quốc hội bức xúc: Tình trạng lãng phí đất công diễn ra ở nhiều nơi

Tạp Chí Giáo Dục

Công tác thc hành tiết kim, chng lãng phí là mt ni dung đưc nhiu đi biu Quc hi (ĐBQH) tp trung tho lun ti k hp này. Theo đó, nhiu ĐB t ra bc xúc trưc tình trng lãng phí đt công din ra nhiu tnh, thành…


Quang cnh phiên tho lun ti hi trưng. Ảnh: QHVN

ĐB Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long – đánh giá cao kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo, đề ra giải pháp xác thực, cụ thể để khắc phục.

Đại biểu cho biết, công tác xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa đảm bảo theo thời gian quy định. Vẫn còn tình trạng chậm đưa vào xây dựng Chương trình pháp luật của Quốc hội theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số dự án luật chưa đảm bảo chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và có 7 văn bản chưa đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Đại biểu cũng nêu thực tế tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra… còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.

Chất lượng cải cách thủ tục hành chính, chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2022.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại nhiều bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Còn tình trạng phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công chưa bảo đảm Luật Đầu tư công. Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dẫn đến dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương của các chương trình thấp, nhất là giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương…

Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, ĐB Bình thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội kiến nghị đối với Chính phủ cũng như những giải pháp của Chính phủ. ĐB Bình cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không là rào cản cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đồng tình với ĐB Bình về thực trạng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra; ĐB Vũ Trọng Kim – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định – cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trên toàn quốc, đây cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

ĐB Kim tâm tư, công tác thẩm định giá đất gặp khó nên không thể đưa vào sử dụng. Đơn cử như dự án xây chợ tại Hóc Môn (TP.HCM), mặc dù đã phê duyệt dự án từ năm 2011 nhưng đến nay sau 29 lần Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM gửi thư cho đơn vị có chức năng thẩm định giá đất song vẫn không thành. 

Đánh giá cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2023 nhưng ĐB Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang – cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại, bất cập, lãng phí trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo ĐB Dương, qua giám sát và kiến nghị của cử tri cho thấy còn nhiều tồn tại lãng phí nguồn nhân lực trong 3 chương trình. Trong đó có tình trạng ban hành chậm hoặc sửa đổi bổ sung hướng dẫn chi tiết đã diễn ra ngay từ đầu năm thực hiện chính sách nhưng đến nay vẫn còn lúng túng chưa được khắc phục, nhất là những vướng mắc trong lồng ghép vốn các chương trình. Công tác phân bổ ngân sách Trung ương cho chương trình chậm, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương của các chương trình thấp, chỉ đạt tỷ lệ 46% kế hoạch, bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2023. Riêng ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đến ngày 31-6-2023 mới đạt 9,17% kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chỉ đạt 6,53%, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 12,3%.

Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang – đề nghị xúc tiến hơn nữa việc sắp xếp lại nhà và đất công. Bên cạnh đó cần có phương án sớm khắc phục tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương…

Phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH về vấn đề sắp xếp nhà đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do nhập các huyện, xã nên thẩm quyền sắp xếp nhà đất là của UBND các tỉnh, để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trụ sở để bán đấu giá cần phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở sang đất ở, đất thương mại, định giá đất… thì mới có thể đấu giá. Bộ Tài chính sẽ đôn đốc UBND các tỉnh trong vấn đề này.

Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, các tồn tại, hạn chế, yếu kém đều liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Quốc hội đã thông qua 3 luật này, Chính phủ đặt quyết tâm cao sau khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên. Còn một số quy định luật giao Chính phủ (14 nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.

Nhóm PV

 

Bình luận (0)