Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại biểu Quốc hội có sa đà vào chi tiết?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghị trường Quốc hội đang nóng lên với những ngày đại biểu chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề được đề cập theo ý nguyện của cử tri, thể hiện tinh thần dân chủ, công khai, thẳng thắn nơi các nhà làm luật. Tuy nhiên, qua một số ý kiến, vấn đề tranh luận nơi hội trường của một số đại biểu, nhiều người không khỏi băn khoăn: hình như Quốc hội đã quá sa đà vào chi tiết, tỷ như một giấy chứng nhận hay hai giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất; học phí tăng hay không tăng và đối với từng cấp học tăng bao nhiêu cho phù hợp?…
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất là chuyện đương nhiên cơ quan quản lý phải cấp để chứng thực tài sản của sở hữu chủ. Có đại biểu đề nghị một giấy hay hai giấy, hồng hay đỏ, nên để Chính phủ quy định. “Một” hay “hai”, “hồng” hay “đỏ” có quan trọng đến mức Quốc hội phải bàn thảo nhiều lần (khóa trước và khóa này) như vậy không? Việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất đã “quá làm phiền” người dân từ trước đến nay, người dân rất sợ các thủ tục này nếu bây giờ phải kê khai, làm giấy chứng nhận mới lần nữa. Chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, nên giảm thiểu bớt các giấy tờ, hình thức không cần thiết, bớt “cửa” hành chính. Vấn đề là tăng trách nhiệm công dân, tin vào tư cách công dân và xác định trách nhiệm công dân khi họ đứng tên kê khai sở hữu tài sản. 
Vấn đề học phí chẳng hạn. Quốc hội cũng không nhất thiết phải tính đến từng đối tượng người học phải đóng góp bao nhiêu mà vấn đề cần thông qua là cơ chế tài chính cho giáo dục. Đó là cơ chế đầu tư cho giáo dục, phân cấp tài chính, người học phải trả một phần chi phí; mức tăng học phí có cần phải tăng theo lương tối thiểu hoặc theo trượt giá; cơ chế tự chủ thực hiện nhiệm vụ đi đôi tự chủ tài chính; tự chủ tài chính và tự thỏa thuận với phụ huynh về học phí… Những vấn đề như vậy có lẽ cần bàn ở nghị trường Quốc hội để có nghị quyết chung. Trên cơ sở đó, Quốc hội giao Chính phủ có nghị định hướng dẫn thi hành.
Một thực tế là trong khi Quốc hội mãi bàn chuyện tăng hay không tăng học phí thì tại các nhà trường, địa phương nhiều giáo viên âm thầm rời xa bục giảng vì thu nhập không đủ sống, những người còn lại đảm nhận công việc trong điều kiện khó khăn, khó nâng cao được chất lượng dạy học. Cả nước cũng có trên một triệu cử tri là những người làm công tác giáo dục. Họ cũng ngày đêm theo dõi ý kiến của các đại biểu trên nghị trường chung quanh đề án đổi mới cơ chế tài chính của ngành giáo dục trong giai đoạn mới có được thông qua lần này hay không?
Hai Đức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)