Sự kiện giáo dụcTin tức

Đại biểu Quốc hội muốn thảo luận về bô-xít ở Hội trường

Tạp Chí Giáo Dục

"Có thể không đặt thành một chương trình thảo luận chuyên đề về bô-xít, nhưng Quốc hội nên dành thời gian riêng, trong cả ngày thảo luận ở hội trường, cho các dự án rất quan trọng và được dư luận quan tâm này", các đại biểu Quốc hội đề xuất.

ĐB Lê Quang Bình. Ảnh: HP
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình:
ĐBQH phải tin Chính phủ thôi
Lắng nghe dư luận, các ủy ban của QH đều sẵn sàng chuẩn bị để phát biểu chính thức về vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Tuy nhiên, do là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các ủy ban không được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm tra. Do đó, sẽ chỉ có những phát biểu mang tính cá nhân của các ĐBQH.
Ủy ban muốn có ý kiến chính thức thì phải họp toàn bộ và đi thẩm tra, cử đoàn đến tận nơi, mời các chuyên gia cùng nghiên cứu. Đó phải là phát biểu có tính toán, cân nhắc thận trọng trên cơ sở nghiên cứu khoa học.
Bô-xít Tây Nguyên là vấn đề quốc gia trọng đại, không thể phát biểu lơ mơ, thiếu cơ sở, không thể nói đơn giản được.
Điều tôi băn khoăn là với một vấn đề lớn, có nhiều luồng ý kiến khác nhau như thế, nhưng thông tin chính thống không có. ĐBQH với trách nhiệm trước dân có thể phát biểu nhưng lại thiếu cơ sở vững chắc.
Trong khi đó, các ủy ban chuyên trách lại không được giao nhiệm vụ kiểm tra, thẩm tra. Các thông tin ĐBQH biết được chỉ qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà khoa học, và nguyên lãnh đạo cấp cao gửi thư tới. Các ý kiến đều thể hiện băn khoăn và lo lắng về các dự án này. Tuy nhiên, cơ sở khoa học như thế nào?
Theo tôi, phải tổ chức đi nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Ví dụ, quan ngại về tác động môi trường thì phải đi nghiên cứu xem các nước khác khai thác đã xử lý như thế nào, từ đó xem với thực tế Việt Nam, các giải pháp đó có áp dụng được không? Đến lúc đó, ĐBQH mới có thể nói các dự án là được hay không được.
Ngay lúc này, ĐB đang thiếu thông tin, mà hỏi ĐBQH có ý kiến như thế nào, thì khó.
Hiện nay, ĐBQH phải tin tưởng ở Chính phủ thôi.
Chính phủ chỉ là một chiều thông tin
Tối thứ 6 ngày 22/5, dù chậm, báo cáo của Chính phủ đã được gửi đến ĐBQH. Tôi tin các ĐBQH sẽ đọc rất kĩ và có ý kiến.
“Bô-xít Tây Nguyên là vấn đề quốc gia trọng đại, không thể phát biểu lơ mơ, thiếu cơ sở”. 
Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh của QH Lê Quang Bình
Theo tôi, báo cáo chưa đáp ứng được các vấn đề ĐBQH mong muốn. Ví dụ, vấn đề xử lý tác động môi trường còn rất chung chung, chỉ nêu với trình độ công nghệ hiện đại hiện nay đảm bảo khắc phục được các tác hại môi trường, xử lý được vấn đề chất thải nguy hại. Thế nhưng, xử lý được là xử lý như thế nào lại không nêu rõ.
Tương tự, với mối lo quốc phòng – an ninh, báo cáo khẳng định sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh, tuy nhiên không nêu rõ giải pháp cụ thể như thế nào.
Trong dự kiến chương trình của QH không thảo luận chuyên đề về các dự án bô-xít ở Tây Nguyên, nhưng với sự quan tâm của các ĐBQH, chắc chắn, các dự án bô-xít Tây Nguyên sẽ được lồng ghép trong chương trình thảo luận về các vấn đề kinh tế – xã hội.
Khi đó, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, cũng như giải trình thêm về các nội dung liên quan.
Có thể không đặt thành một chương trình thảo luận chuyên đề, nhưng QH nên dành thời gian riêng, trong cả ngày thảo luận ở hội trường, để dành cho các dự án rất quan trọng và được dư luận quan tâm này.
Tuy nhiên, không thể đi sâu quá vào các dự án bô-xít chỉ trong phiên họp QH được. Theo tôi, phải giao cho các ủy ban chuyên trách của QH nghiên cứu, kiểm tra, thẩm tra và cho ý kiến.
Báo cáo của Chính phủ chỉ là một chiều thôi. QH cũng sẽ là một kênh để nghiên cứu.
Một báo cáo của QH không thể nói hết được các vấn đề liên quan mà phải có từng chuyên đề đi sâu vào từng vấn đề cụ thể.
Theo quy định tại Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29/6/2006 quy định về các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án bô-xít Tây Nguyên không nằm trong các tiêu chí đó. Thẩm quyền quyết định các dự án bô-xít thuộc về Chính phủ và Thủ tướng.
Nhưng, QH với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho dân, hoàn toàn có quyền cho ý kiến.  
ĐB Danh Út. Ảnh: NL
Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Danh Út:
"Đại biểu phải có tiếng nói ở hội trường"
Báo cáo Chính phủ mới gửi cho đại biểu đã cung cấp được nhiều thông tin cho đại biểu so với những thông tin trong báo cáo về kinh tế – xã hội đọc hôm khai mạc. Vấn đề sắp tới là các đại biểu QH phải thể hiện được tiếng nói và quan điểm của mình về chủ trương này.
Khoáng sản bô-xít có trữ lượng lớn, chủ trương nhà nước đã có, vấn đề là cần triển khai như thế nào cho đúng với Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường.
Tôi đã nhiều lần đi Tây  Nguyên, vào thời tiết mưa gió,  nên tôi biết rõ là trong điều kiện thời tiết thay đổi, các hồ chứa bùn đỏ có thể sẽ bị tràn, gây hậu quả.
Nếu làm không cẩn thận thì với địa hình đồi núi cao của Tây Nguyên, chất thải sẽ tràn về đồng bằng sông Cửu Long và thậm chí cả Thành phố Hồ Chí Minh. Hai dự án thí điểm cần phải được làm cẩn thận, kỹ lưỡng, tránh sơ suất.
Tôi sẽ phát biểu về vấn đề này trước Quốc hội.
ĐB Nguyễn Anh Liên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: HP
Đại biểu Nguyễn Anh Liên, ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
"Quốc hội không bàn việc đã rồi"
Chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên đang có nhiều ý kiến khác nhau từ phía nhân dân, các nhà khoa học cũng như ngay trong Quốc hội. Chưa biết ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai.
Vì thế việc Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin cho Quốc hội để đại biểu có thể bàn luận rộng rãi là rất cần thiết.  Tôi cũng đã tìm hiểu thông tin về khai thác bô-xít từ rất lâu, thông qua báo chí, đọc ý kiến của các nhà khoa học.
Tôi ủng hộ chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhưng vấn đề là ở cách làm, phương pháp tiến hành.
Tốt nhất là cần đưa ra bàn bạc ở Quốc hội. Nếu Quốc hội đồng ý chủ trương thì mới tiếp tục bàn đến chuyện sẽ giám sát. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH sẽ phải giám sát.
Quyền của Quốc hội là phải được quyết. Nói như Chính phủ là xét theo các tiêu chí,  vấn đề này chưa cần thiết phải đưa ra để Quốc hội thông qua vì chưa lớn nhưng lại liên quan đến nhiều chuyện như hiệu quả kinh tế, môi trường.
Do đó, việc đưa ra Quốc hội là để có sự đồng thuận và thống nhất chung.
Thứ hai, đưa ra để Quốc hội quyết là nhằm bảo đảm quyền dân chủ của người dân, thể hiện được ý chí của nhân dân. Quốc hội không bàn việc đã rồi.
Hoàng Phương – Lê Nhung (VietNamNet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)