Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đại biểu Quốc hội: Thu hút nhà làm phim nước ngoài để quảng bá hình ảnh Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nới các quy định để thu hút nhà làm phim nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Ngày 29-3, tiếp tục hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách, các ĐB đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết so với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới.

Đến nay, dự thảo đã đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh, công nghiệp điện Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa – xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội: Thu hút nhà làm phim nước ngoài để quảng bá hình ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

ĐB Trần Văn Lâm thảo luận về dự án luật. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến đề nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xin tiếp thu, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ. Tuy nhiên Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ.

Do đó, cơ quan này trình xin ý kiến ĐB Quốc hội 2 phương án: Phương án 1: Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam. Phương án 2: Quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Thảo luận về nội dung cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại Điều 13 của dự thảo luật, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ.

ĐB Trần Văn Lâm phân tích, chúng ta mong muốn thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, các quy định lại làm quá chặt chẽ.

Về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, các ĐB thảo luận tại hội trường cho rằng dự thảo luật cần đưa ra các quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

ĐB Trần Thi Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế. "Nếu trong dự thảo chưa làm rõ vấn đề này, nếu quy định chung chung như hiện nay thì rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống. Do đó đề nghị ban soạn thảo quan tâm đầu tư thêm để có áp dụng trong thực tiễn"- vị ĐB cho hay.

Vị ĐB cũng nhấn mạnh cần có những đột phá để điện ảnh góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. ĐB Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hòa Bình) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các quy định theo hướng khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động này.

Đại biểu Quốc hội: Thu hút nhà làm phim nước ngoài để quảng bá hình ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình các vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết dự luật phải đảm bảo được 2 mục tiêu vừa tạo điều kiện để phát triển nghệ thuật, đồng thời mở ra hướng cho ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải làm sao cân đối được các mục tiêu chính này để thiết kế các điều luật phù hợp với xu thế chung. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan đã nghiên 20 luật của các nước phát triển khác nhau, đồng thời tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh để xem xét các vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đối với 5 nhóm vấn đề ĐB nêu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo Minh Chiến/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)