Y tế - Văn hóaThư giãn

Đại chúng hóa nhạc kịch

Tạp Chí Giáo Dục

Từ không gian nhỏ như phòng trà đến sân khấu kịch hay truyền hình, việc đại chúng hóa thể loại nhạc kịch musical hay opera trong thời gian gần đây là điều đáng khích lệ.

Nhiều cơ hội thưởng thức
 
Sau Chicago, vở High School Musical phiên bản sân khấu chuẩn bị ra mắt – Ảnh: N.V
Những ngày này, nhóm nghệ sĩ của CLB Buffalo đang ráo riết tập luyện vở nhạc kịch phiên bản sân khấu của High School Musical (do Lê Buffalo thực hiện) để chuẩn bị ra mắt vào 22.1 (sau đó công diễn hằng đêm từ 3.2 – 14.2 tại Nhà hát Kịch Thành phố, 30 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM). Từng tạo được sự yêu thích khi lần đầu giới thiệu vở Chicago, CLB Buffalo mà chủ xị là đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy được đạo diễn Lê Bảo Trung đề nghị hợp tác sản xuất High School Musical phiên bản Việt.
Mới đây, vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức Bà phiên bản Việt vừa trình diễn tại Nhạc viện TP.HCM, với phần biên soạn hoàn toàn độc lập cả nhạc lẫn lời Việt của nhạc sĩ Vũ Huy Tiến. Từ mong muốn tạo cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng cho cả nghệ sĩ biểu diễn lẫn khán giả, nhạc sĩ đã sáng tác kết hợp các phong cách pop, blue, jazz. Trước đó, nhạc sĩ Hà Quang Minh từng chuyển ngữ qua tiếng Việt cho hơn 20 ca khúc trong vở nhạc kịch này, đã đưa Thằng gù nhà thờ Đức Bà (theo hình thức biểu diễn ca khúc minh họa cho vở diễn) vào phòng trà. Tuy không thuần nhạc kịch, nhưng sự đón nhận của công chúng dành cho hình thức biểu diễn mới này đã mang đến không gian thưởng thức thú vị cho người xem.
Đang thu hút sự quan tâm lẫn gây dư luận trái chiều về nhạc kịch hiện nay là chương trình Chinh phục đỉnh cao (phiên bản Việt của Popstar to Operastar) đang phát trên VTV3, với cuộc thử sức cùng opera của các ca sĩ không thuộc dòng nhạc này. Khoan bàn đến hiệu quả thực thụ khi đưa opera tiếp cận công chúng trên truyền hình, việc mua bản quyền chương trình để thực hiện, mang đến cho khán giả “món” mới ngoài các chương trình truyền hình thực tế quen thuộc là một tín hiệu đáng mừng cho opera trên sân khấu Việt.
Đến gần với khán giả
Nếu opera được xem là văn hóa tinh thần quá quen thuộc với các nước phương Tây, thì ở VN, với không ít khán giả, nó là loại hình chưa được phổ biến. Chính vì chưa quen thuộc nên muốn tiếp cận được với công chúng, những người thực hiện dòng nhạc này cần trang bị kiến thức cơ bản để người xem – nghe cảm nhận thoải mái và nhất là đúng tinh thần của từng hình thức chuyển tải.
“Công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, cũng cần biết opera là gì, khác với nhạc kịch musical thế nào, hay vì sao thể loại này thường được gọi là nhạc kịch Broadway… để tránh nhầm lẫn khi thưởng thức”, nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ. Theo anh, có nhiều điểm khác nhau để phân biệt hai thể loại này. Nếu như opera được hát theo lối hát opera cộng thanh truyền thống “operatic” thì musical thường hát như pop hơn, hoặc nếu ở opera không đòi hỏi diễn viên phải nhảy múa thì với musical, nghệ sĩ biểu diễn cần đa năng – khi cảm xúc không diễn đạt được bằng lời thì họ sẽ hát, khi hát không thể biểu đạt hết thì sẽ nhảy/múa. Và sở dĩ gọi là nhạc kịch Broadway vì những nhà hát dành cho nhạc kịch musical tập trung ở trục đường Broadway New York (Mỹ). Vì vậy, ở sân chơi Chinh phục đỉnh cao, nhiều khán giả cho rằng, ngoài vai trò đánh giá và chấm điểm, ban giám khảo phải làm sao giúp người xem hiểu đúng opera ở cuộc thi này là gì, và nhất là đừng để nó bị nhìn nhận rằng: “Opera như vậy thì có gì mà hàn lâm hay nghệ thuật đỉnh cao”.
Cho dù còn nhiều khó khăn từ nỗi lo về kinh tế đến đội ngũ diễn viên, việc chuyển ngữ, tìm tác phẩm phù hợp…, song trong điều kiện hiện nay, hình thức Việt hóa các vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới, đại chúng hóa âm nhạc hàn lâm của các đơn vị, tổ chức cá nhân đã và đang mang đến tín hiệu vui cho đời sống văn nghệ, không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình biểu diễn mà hy vọng sẽ tạo nên thói quen trong thưởng thức nghệ thuật. Nói như đạo diễn Lê Bảo Trung: “Chúng ta cứ thử sức và mạnh dạn, dù cái mới thường không dễ được tiếp nhận nhưng nếu cứ thấy khó mà không làm thì biết đến khi nào nhạc kịch VN mới có vị trí xứng đáng trong lòng khán giả”.
Năm 1965, vở opera đầu tiên của VN ra mắt: Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (sau đó còn có Người tạc tượng, Nguyễn Trãi ở Đông Quan), tiếp đến là vở Bên bờ K’rông Pa của nhạc sĩ Nhật Lai, vở Bông sen của nhạc sĩ Hoàng Việt (viết cùng Lưu Hữu Phước và Nguyễn Vũ), Tình yêu của em của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn. Cô Sao vừa được phục dựng tại Hà Nội, khán giả các chương trình của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM thời gian gần đây có cơ hội xem trọn vở Dido và Aeneas, Cây sáo thần…
theo TNO

 

Bình luận (0)