Dự án Xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và Nhà máy Sản xuất bán thành phẩm giày thể thao, do Taekwang Industrial Co., Ltd. (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, vừa chính thức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Với tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD, đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn đầu tư vào TP. Cần Thơ trong thời gian gần đây. Vì thế, dễ hiểu vì sao, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Teakwang triển khai Dự án đúng tiến độ, cũng như quá trình hoạt động sau này.
“Chúng tôi thực sự đánh giá cao môi trường đầu tư của Cần Thơ. Chúng tôi đã đầu tư tại nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh như tại đây”, ông Lee Hyung Jin, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Taekwang nói.
Đầu tư vào lĩnh vực da giày cũng là cách để Teakwang đón đầu cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam – EU mang lại.
Một điều quan trọng là, với dự án này, tuy tổng vốn đầu tư không quá lớn, song cũng đã góp phần quan trọng nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng qua lên tới trên 4 tỷ USD, tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/3/2016, trong tổng số hơn 4 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, có 2,74 tỷ USD đến từ 473 dự án đăng ký mới, tăng 125,2% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, còn có 1,29 tỷ USD đến từ 203 lượt dự án tăng vốn, tăng 107% so với cùng kỳ.
Có sự tăng đột biến lượng vốn FDI vào Việt Nam trong quý đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào điểm đến Việt Nam. Cũng bởi vậy, ngoài dự án ở Cần Thơ vừa được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, 3 tháng qua cũng đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư “đặt gạch” các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Dự án Đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD; hay Dự án Nhà máy Giấy Đại Dương, vốn đầu tư 220 triệu USD tại Tiền Giang…
Con số được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Không khó để tính toán điều này, bởi thông tin vừa chính thức được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về chủ trương để Samsung đầu tư Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), vốn đầu tư 300 triệu USD ở Hoàng Mai (Hà Nội). Mọi chuyện đang khá suôn sẻ và nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, dù chưa có xác nhận chính thức, song khả năng Apple đầu tư Dự án Trung tâm Cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á, vốn đầu tư 1 tỷ USD là rất lớn. Có thể chưa sớm được cấp chứng nhận đầu tư, bởi còn nhiều thủ tục phải thực hiện, song đây cũng là động thái tích cực của “ông lớn” đến từ nước Mỹ.
Điều quan trọng là, dư luận kỳ vọng, khi Apple đầu tư lớn vào Việt Nam, cũng sẽ có các nhà đầu tư khác theo chân thương hiệu quả táo. Các khoản vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong R&D luôn được Việt Nam đánh giá cao và mong chờ.
Thêm nữa, cũng trong đầu tháng 3, 3 đơn vị – gồm Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group, Công ty Phát Đạt và An Gia Investment đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác để triển khai Dự án River City, vốn đầu tư 500 triệu USD. Creed Group cũng đã cam kết rót 125 triệu USD, tương ứng 25% vốn, vào dự án này.
Chỉ cần tính các dự án này, thì vốn FDI vào Việt Nam cũng đã có thể tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.
Một tín hiệu quan trọng, đó là theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trong 3 tháng đầu năm, các dự án FDI đã giải ngân được 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015. Khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và giải ngân đã ngày càng được thu hẹp, và khi vốn FDI càng được đưa vào thực hiện lớn, sẽ góp phần quan trọng tăng năng lực cho sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo đầu tư
Bình luận (0)