Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dai dẳng tranh cãi về tiền tác quyền biểu diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Phiên tòa phúc thẩm hôm 3/8 xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty cổ phần Truyền thông Vietart (Vietart) diễn ra tại Hà Nội khiến câu chuyện tác quyền nóng trở lại.

Bất đồng về công thức tính tiền tác quyền

Nguyên đơn VCPMC cho rằng Vietart sử dụng 20 tác phẩm của nhiều nhạc sĩ trong chương trình Chuyện của mùa đông (diễn ra vào tháng 1/2019 ở Hà Nội) nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao. Công thức tính được VCPMC đưa ra: 5% x 70% số lượng ghế x bình quân giá vé. Số tiền Vietart cần trả là 205,7 triệu đồng.

Vietart thì cho rằng mức giá này do VCPMC tự ban hành, chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả. Công thức tính này không hợp lý, bởi thực tế không phải chương trình nào cũng bán được số vé như vậy. Riêng chương trình trên, Vietart cho biết tiền vé thu về chỉ 200 triệu đồng. Trong phiên sơ thẩm năm ngoái, Vietart bị xử thua kiện, phải bồi thường hơn 210 triệu đồng. Lần này, chủ tọa phiên tòa yêu cầu 2 bên bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ; đồng thời đề xuất 2 bên nên hòa giải.

Các ca sĩ biểu diễn trong chương trình Chuyện của mùa đông, diễn ra tháng 1/2019, tại Hà Nội -  Nguồn ảnh: Vietart

Các ca sĩ biểu diễn trong chương trình Chuyện của mùa đông, diễn ra tháng 1/2019, tại Hà Nội. Nguồn ảnh: Vietart

VCPMC đã giải thích công thức tính 5% x 70% số lượng ghế x bình quân giá vé đã tham khảo một số mô hình, cách thức tính tại nhiều quốc gia.

Gần đây, 7 đơn vị sản xuất đã gửi đơn đến Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị về việc tính phí tác quyền của VCPMC. Họ cho rằng công thức tính tiền tác quyền bất hợp lý, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước; chưa lấy ý kiến rộng rãi của các chủ thể chịu tác động.

Các bêb cần ngồi lại 

Được biết, VCPMC đã hoàn chỉnh biểu phí thu tác quyền từ ngày 24/6. Tuy nhiên biểu phí này hiện chưa trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không thể phủ nhận, trong suốt những năm qua, hoạt động của VCPMC đã giúp nhiều tác giả trên nhiều lĩnh vực truy thu tiền tác quyền khá tốt. Nhiều nhạc sĩ lớn tuổi cũng nhờ đó mà có nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Nhưng những tranh cãi, kiện tụng lâu nay đặt ra vấn đề làm sao để có thể thống nhất vấn đề này?

Nhóm BlackPink trong đêm diễn tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào cuối tháng 7 cũng có những tranh cãi về tác quyền

Show diễn của nhóm BlackPink trong đêm diễn tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào cuối tháng 7 cũng có những tranh cãi về tác quyền

Anh Quang Cường – một bầu show – cho biết rất tán đồng với việc đóng phí tác quyền, bởi sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ thì phải tôn trọng công sức của họ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có những bất cập nhất định. Với một số chương trình, khi tiền tác quyền bị tính quá cao, ca sĩ, nhà tổ chức sẽ ưu tiên sử dụng những ca khúc đã mua độc quyền từ các nhạc sĩ.
Theo anh, để tổ chức một show diễn, có rất nhiều khoản phải chi trả. Chương trình phải đầu tư lớn, chỉn chu nhưng việc bán vé cũng không phải dễ dàng. Hơn nữa, không phải show nào cũng bán vé tốt. Vì thế, việc cào bằng đôi khi cũng gây khó cho nhà tổ chức.

Cũng có ý kiến cho rằng nên căn cứ vào doanh thu, khán giả thực tế để thu tiền tác quyền. Tuy nhiên, để kiểm đếm được số lượng khán giả cụ thể từng đêm cũng rất khó, tiêu tốn nhiều nhân lực. Chưa kể, có những đơn vị cũng dùng mánh khóe để che giấu doanh thu bán vé thực sự, gây bất lợi cho việc tính tiền tác quyền. 

Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – cho biết, hiện nay các quy định của pháp luật về quyền tác giả và việc thu tiền bản quyền được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP.

Theo đó, các cá nhân có thể thỏa thuận về vấn đề này; trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ. Mới đây, Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã quy định cụ thể về công thức tính tiền bản quyền chi trả và hệ số điều chỉnh tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động phát sóng, kinh doanh, thương mại.

Tuy nhiên, trong Phụ lục I, II đính kèm theo Nghị định không có quy định về biểu phí cho loại chương trình, ca nhạc, live show tổ chức trong nhà hát. Do pháp luật không có quy định cụ thể nên trên thực tế, việc tính phí đều theo sự thỏa thuận của các bên. Nhiều trường hợp, do các bên không thỏa thuận được, dẫn đến những vấn đề như: bên thu tiền bản quyền đưa ra mức phí quá cao, buộc bên phía tổ chức buổi biểu diễn phải trả tiền mới cấp phép tổ chức hoặc bên tổ chức buổi biểu diễn tự ý tổ chức mà chưa được bên thu tiền bản quyền cấp phép biểu diễn…

Theo ông Trần Xuân Tiền, để hạn chế những mâu thuẫn xảy ra trong vấn đề trả tiền bản quyền, cũng như có căn cứ pháp luật để các bên có cơ sở áp dụng mức giá thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, cân nhắc đưa ra một mức giá sàn phù hợp. Dựa vào đó, các bên có thể đưa ra mức giá phù hợp nhất, tránh những tranh chấp không đáng có. 
Bầu show Quang Cường nói, anh mong sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước, VCPMC, các đơn vị tổ chức. Từ đó, các bên có thể chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng đưa ra phương án tốt nhất. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)