Trong công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí danh giá Science, các nhà khoa học ước đoán việc lây nhiễm virus từ muỗi sẽ lan rộng rất mạnh trong các nước đã bùng phát dịch, dẫn đến hiệu ứng "miễn dịch bầy đàn". Hiệu ứng này xảy ra khi một bộ phận đông dân số trở nên miễn dịch với một loại truyền nhiễm, bằng phát triển hệ miễn dịch tự nhiên hoặc qua tiêm vaccine.

Người cha ôm đứa con bị mắc tật đầu nhỏ vì tác động của virus Zika từ khi còn trong bụng mẹ.
Người cha ôm đứa con bị mắc tật đầu nhỏ vì tác động của virus Zika từ khi còn trong bụng mẹ. Ảnh: Reuters

Điều này sẽ giúp giảm khả năng xảy ra một đợt bùng phát rộng hơn, theo các nhà khoa học Anh. Việc truyền nhiễm virus Zika sẽ không tái diễn trong khoảng thời gian ít nhất là 10 năm, mà chỉ còn một số đợt bùng phát với quy mô nhỏ. 

Người đứng đầu công trình nghiên cứu – Neil Ferguson, trường y tế công cộng ĐH mperial College London, cho biết: "Virus không thể truyền nhiễm một người hai lần. Cơ thể con người tự sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Đại dịch sẽ đạt đến giai đoạn còn quá ít đối tượng dễ lây nhiễm để virus có thể tồn tại". Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vaccine hoặc liệu pháp đặc trị cho Zika.

Nhóm của Neil Ferguson đưa ra kết luận dựa trên các mô hình toán học về quá trình lây nhiễm của virus. Mô hình tương tự đã được sử dụng cho nhiều bệnh lây nhiễm khác có liên quan đến virus, như sốt Chikungunya (tương tự sốt xuất huyết). Nhóm dự đoán quá trình lây nhiễm Zika ở quy mô đại dịch sẽ chấm dứt từ hai đến ba năm nữa và sẽ không tái diễn trong ít nhất 10 năm tới.

Mối liên hệ giữa virus Zika và tật nhỏ đầu lần đầu tiên được phát hiện tại Brazil vào giữa năm 2015. Đến nay đã có hơn 1.600 trường hợp trẻ sơ sinh mắc tật nhỏ đầu có khả năng liên quan đến Zika.

Nhóm của Ferguson cũng cho rằng hiện đã quá muộn để kiểm soát quần thể muỗi mang virus Zika. Các biện pháp phòng tránh muỗi thậm chí còn có rủi ro kéo dài thời gian đại dịch.

THIÊN ANH (PLO)