Hội nghị Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi lần thứ I diễn ra từ 25 đến 30/8/2013, ở Hà Nội và TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là hội nghị lần đầu tiên sau Đại hội thành lập (tháng 12/2012 tại Cairo – Ai Cập), với 14 đại biểu là các ủy viên Ban chấp hành và các thành viên phụ trách 6 tiểu ban, đại diện cho các nhà văn đến từ hơn 50 quốc gia Châu Á và Châu Phi.
Trong đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Á – Phi, nhà văn Ali Javed (Ấn Độ) đồng thời giữ vai trò là người phụ trách vấn đề nhân quyền và tự do. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã được bầu vào cương vị Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.
Dự định Hội nghị sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2013, nhưng do tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Ai Cập nên Hội nghị phải hoãn đến thời điểm này.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, kỳ họp này sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề: Chuẩn bị cho ra đời Tạp chí “Hoa sen” xuất bản bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Ả Rập; dự kiến “Hoa sen” cũng là tên giải thưởng văn học Hội Nhà văn Á – Phi trao tặng cho một tác phẩm văn xuôi và một tác phẩm thơ trong một nhiệm kỳ (3 năm).
Các lĩnh vực khác như đối ngoại, dịch thuật, tài chính, xuất bản, văn học thiếu nhi, công tác hội viên… cũng được các tiểu ban bàn thảo cụ thể và đề xuất kế hoạch triển khai lên Ban chấp hành. Ngoài ba thứ tiếng Anh, Pháp và Ả Rập, Hội Nhà văn của mỗi nước phải dịch tạp chí sang ngôn ngữ của nước mình. Trong giai đoạn đầu, tạp chí được xuất bản 2 kỳ/năm.
Về giải thưởng văn học, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, cần mời các nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng không chỉ ở châu Á và châu Phi vào Ban giám khảo để giải thưởng văn học Hội Nhà văn Á – Phi tạo được sức lan tỏa trên toàn thế giới.
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi sẽ tham dự hội thảo văn học với chủ đề: “Sứ mệnh của các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa” do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Á – Phi cùng tổ chức.
Tiếp đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập, nhà văn Mohamed Salmawy ông cũng là Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Trước đây, Hội Nhà văn Á – Phi đã từng có mặt (thành lập từ năm 1957, nằm trong Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á – Phi). Tuy nhiên đến năm 1987, Hội Nhà văn Á-Phi ngừng hoạt động sau khi Liên Xô tan rã.
Việt Nam là nước có nhiều nhà văn tên tuổi đã được trao giải Hoa sen (Nguyên Ngọc, Tô Hoài, Thu Bồn…) và đã từng đăng cai tổ chức Hội nghị Hội Nhà văn Á – Phi vào năm 1983.
Theo TPO
Bình luận (0)