Sao Hỏa luôn là hành tinh được chú ý nhiều nhất kể từ khi con người phát hiện ra nó. Người ta tin rằng sao Hỏa đã từng có những đại dương sâu tới 3.000m. Nhưng giờ chúng đã biến đi đâu?
Cuộc đại di dân từ Trái đất đến hành tinh đỏ sẽ chỉ là viễn cảnh xa vời nếu nước và không khí, hai thành tố quan trọng cho sự sống của con người, không xuất hiện trên sao Hỏa như vốn dĩ hiện tại.
Cách đây 3 tỉ năm, sao Hỏa đã từng là một hành tinh ấm áp với những dòng sông và đại dương. Không có sự đồng thuận khoa học rằng đã có bao nhiêu nước trên sao Hỏa, nhưng niềm tin phổ biến là rất nhiều.
Câu hỏi đặt ra là lượng nước khổng lồ đó đã biến đi đâu sau ngần ấy thời gian?
Các nhà khoa học đến từ Đại học Oxford (Anh) mới đây đã đưa ra giả thuyết mới, gây sốc hơn: nước trên sao Hỏa đã bị hút vào đá.
Đã từng có những đại dương và dòng sông chảy trên bề mặt sao Hỏa
Hai giả thuyết
Việc mất nước là một trong những nguyên nhân chính khiến sao Hỏa không thể sống được, bất kể bầu khí quyển và nhiệt độ của nó ra sao, GS Jon Wade – trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Nước đã xuất hiện và hiện diện trên Trái Đất được khoảng 4,4 tỉ năm khi hành tinh của chúng ta bắt đầu nguội dần, dựa trên các bằng chứng khoa học được tìm thấy từ những loại khoáng chất gọi là zircon, ông Wade giải thích.
Nhưng sao Hỏa dường như đã mất nước khá nhanh, chỉ khoảng 1,5 tỉ năm sau khi nó được hình thành.
Một số nhà khoa học tin rằng nước trên hành tinh đỏ đã bị hút vào không gian khi từ trường sao Hỏa sụp đổ.
Theo GS Wade, sao Hỏa nhỏ hơn Trái đất khoảng 50% do đó sẽ nguội nhanh hơn, trên cả bề mặt lẫn lõi kim loại của nó. Một hành tinh có từ trường chủ động nhờ phần lõi nhiệt độ cao. Nhưng bởi vì lõi của sao Hỏa nguội quá nhanh, từ trường cuối cùng đã biến mất và hành tinh này bắt đầu chịu ảnh hưởng của các siêu bão Mặt Trời, bầu khí quyển bị "nuốt trọn".
Các nhà khoa học khác lại tin rằng nước của sao Hỏa thực chất đang nằm bên dưới bề mặt của hành tinh này. Việc mất từ trường đã làm bầu khí quyển của sao Hỏa mỏng đi, do đó mất khả năng giữ nhiệt nên đóng băng là điều tất yếu.
Từ trường đã giúp Trái Đất thoát khỏi sự tấn công của các cơn bão Mặt Trời
Thế giới nước trong lòng đá
Năm 2015, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) hân hoan tuyên bố nước vẫn còn hiện diện trên sao Hỏa. Trong khi NASA không thể chứng minh điều đó thật sự đúng, cơ quan này khẳng định tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter, có quỹ đạo bay xung quanh sao Hỏa của họ, đã tìm thấy dấu hiệu của sự rò rỉ chất lỏng một cách có chu kỳ dọc theo các khe nứt của núi lửa sao Hỏa.
NASA tuyên bố những dòng chất lỏng này chỉ xuất hiện vào những khoảng thời gian có nhiệt độ ấm, tương đương mùa xuân và mùa hè trên Trái đất. Việc phát hiện muối trong các dòng chất lỏng trên đã khẳng định sự tồn tại của nước muối.
Nói cách khác, đã từng có biển trên sao Hỏa, nhưng chúng đã biến đi đâu?
Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford tin rằng câu trả lời nằm ở thành phầnkhoáng vật của sao Hỏa, Sử dụng các mô hình thường được dùng để phân tích các mẫu vật đá trên Trái Đất, nhóm của GS Wade kết luận đá bazan trên sao Hỏa có thể hút nước hơn 25% so với đá bazan của Trái Đất.
"Các loại đá hóa học của sao Hỏa đã phản ứng với nước có trên bề mặt, tạo thành các khoáng vật thủy hao. Theo thời gian, nước dần bị rút vào những khoáng vật này, để lại bề mặt khô cằn chỉ còn đá. Điều đó có nghĩa nước hiện nay vẫn còn trên sao Hỏa, sâu bên trong các hòn đá", ông Wade nói.
Nhóm của GS Wade, dẫu không bác bỏ hai giả thuyết trước đó, tin rằng nhữngkhoáng vật thủy hao là nguyên nhân chính khiến phần lớn nước trên sao Hỏa biến mất.
NASA đã phát hiện ra sự rò rỉ chất lỏng định kỳ tại ngọn núi này trên sao Hỏa
Sự sống đã từng xuất hiện trên sao Hỏa?
Về mặt lý thuyết, sao Hỏa đã từng có đủ các điều kiện thuận lợi cho sự sống. Các dấu vết trên bề mặt hiện tại đã chỉ ra rằng hành tinh này cũng từng có những con sông chảy ra biển và nhiệt độ ấm trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều này cũng đồng nghĩa sao Hỏa đã từng có một bầu khí quyển dày trước khi nó bị cuốn đi bởi các cơn bão Mặt Trời sau khi từ trường của hành tinh sụp đổ.
Thực tế, hành tinh đỏ vẫn còn sót lại một ít từ trường, không phải do lõi của nó tạo ra, mà tồn tại trong các khoáng vật có chứa sắt. Nhưng thật kỳ quặc, những khoáng vật này chỉ có thể được tìm thấy ở cực nam của sao Hỏa.
Vũ trụ luôn là điều bí ẩn và còn hàng tỉ câu hỏi chưa bao giờ có lời giải đáp hay cấp số nhân những điều con người chưa biết. Kể cả Trái Đất, nơi con người tự hào rằng đã thống trị và khám phá gần như tất cả, vẫn còn những điều chúng ta chưa hiểu hết về nó.
Sự sống đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất có lẽ cách đây khoảng 3,5 tỷ năm hoặc sớm hơn. Những khoáng vật được tìm thấy tại Úc gần đây đã xô ngã niềm tin và kiến thức đại chúng phổ biến của con người. Không phải một mà là có đến vài dạng sống ban đầu của vi khuẩn nguyên thủy.
"Tôi tin rằng đã từng có những dạng sống, tất nhiên, khốn khổ trên sao Hỏa trong 3 hoặc 4 tỷ năm qua. Nếu thật sự vẫn còn sự sống trên sao Hỏa hiện nay, nó chắc chắn sẽ không ở trên bề mặt, mà ở nơi rất khó để tìm thấy: bên trong lòng đất!", GS Wade nhận định.
Lá chắn từ trường nhân tạo cho sao Hỏa
Bởi vì từ trường sụp đổ, kéo theo bầu khí quyển và nước vào không gian, sao Hỏa trở thành hành tinh không thể hỗ trợ sự sống. Nhưng nếu một ngày nào đó từ trường xuất hiện trở lại, mọi chuyện sẽ như thế nào?
Đó chính là câu hỏi đã tạo động lực cho NASA đưa ra một đề xuất hồi tháng 3/2017: tạo ra lá chắn từ trường cho hành tinh đỏ!
Khi từ trường nhân tạo xuất hiện, bầu khí quyển của sao Hỏa sẽ được tăng cường, giúp bảo vệ hành tinh khỏi các cơn bão Mặt Trời. Một khi khí quyển đã được tăng cường, nhiệt độ và áp suất của sao Hỏa sẽ thay đổi, đủ để tạo ra và lưu giữ nước trên bề mặt.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)