Cả lần hợp tác với Trung Nguyên đến Citimart hay Fivimart đều không mang lại nhiều "quả ngọt" cho tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản.
Tập đoàn Nhật Bản AEON vừa hoàn tất "chia tay" Fivimart và nhượng lại chuỗi siêu thị này cho một doanh nghiệp trong nước, chấm dứt "mối lương duyên" kéo dài gần 4 năm. Đây cũng là giai đoạn mà cả hai bên đều không có kết quả kinh doanh khả quan.
Thành lập từ năm 1758, Aeon là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lâu đời nhất của Nhật Bản sở hữu 179 liên doanh trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, Aeon hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, và đến cuối năm 2011 mới thành lập Công ty TNHH Aeon Việt Nam với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.
Ngay khi gia nhập thị trường Việt Nam, Aeon triển khai chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, tới năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới.
Ba năm sau đó, Tập đoàn này tuyên bố mua 30% cổ phần của Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu Fivimart). Với 10 siêu thị hiện nay, Fivimart là chuỗi siêu thị lớn tại miền Bắc. Aeon Việt Nam cũng mua 49% cổ phần Citimart – chuỗi siêu thị lớn tại phía Nam. Cùng năm đó, Aeon khai trương 2 trung tâm mua sắm tại quận Tân Phú, TP HCM và Bình Dương. Trong năm đầu tiên vận hành các chuỗi trung tâm mua sắm, Aeon Việt Nam đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 112 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Aeon Việt Nam trong vài năm gần đây. |
Aeon Việt Nam liên tục mở rộng hệ thống vào những năm sau đó với việc khai trương thêm Aeon Long Biên tại Hà Nội vào năm 2015 và đến năm 2016 là Aeon Bình Tân, TP HCM, nâng tổng số trung tâm mua sắm tại Việt Nam lên 4.
Việc mở rộng hệ thống giúp cải thiện kết quả kinh doanh của Aeon Việt Nam những năm sau đó. Trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014 và lợi nhuận trước thuế 54 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu tăng hơn 30%, đạt 5.136 tỷ đồng và lãi trước trước thuế 234 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước đó.
Kết quả này được nhận định là không tệ trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục phải đầu tư mở rộng hệ thống chuỗi trung tâm thương mại quy mô lớn. Tuy nhiên, xét riêng trong các thương vụ quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Việt lại không mấy khả quan.
Trước khi có sự hợp tác nói trên, 2 chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart cũng khá lận đận nên khi hợp tác với tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, họ kỳ vọng rất nhiều. Song kết quả lại không như mong đợi, mặc dù liên tục mở rộng hệ thống.
Năm 2016, chuỗi siêu thị Fivimart đạt doanh thu 1.243 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn báo lỗ 96 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức lỗ 2015. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart sau 3 năm hợp tác với Aeon Việt Nam lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty. Trong khi đó, hiện số siêu thị của Fivimart đang sở hữu là 23, quy mô gấp hơn 2 lần thời điểm mới hợp tác.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh đó là chi phí quản lý doanh nghiệp lớn, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ bán hàng hóa trong siêu thị.
Vẫn duy trì sự hợp tác với Citimart, song mối quan hệ này cũng không mang lại kết quả khả quan cho Aeon Việt Nam những năm qua. Doanh thu của chuỗi siêu thị này có tăng trưởng khoảng 15%, đạt gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế ghi nhận lên tới 157 tỷ đồng.
Với chiến lược xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất tại Đông Nam Á, Aeon vừa khởi công thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông, đồng thời tuyên bố mục tiêu đạt 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2025.
Nguyễn Hà/Vnexpress
Bình luận (0)