Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Đại gia” bút chì

Tạp Chí Giáo Dục

Từ nhỏ đã thích dùng đồ bỏ đi để làm đồ chơi, lớn lên Đặng Ngọc Vinh lại tiếp tục niềm đam mê đồ tái chế qua việc… kinh doanh.

Ngọc Vinh và những sản phẩm tái chế xinh xắn – Ảnh: PHI LONG
Ngọc Vinh đang là SV năm 3 khoa thiết kế nội thất Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nhưng phần lớn thời gian Vinh ở… ngoài giảng đường, tập tành kinh doanh đồ tái chế.
Từ đồ chơi đến bút chì tái chế
Lúc nhỏ Vinh thích tìm những món đồ chơi cũ người ta vứt đi mang về nhà sửa chữa, biến tấu lại theo ý thích của mình. Gỗ vụn, ván ép… Vinh tha từ ngoài đường về nhà chất thành đống để… chơi dần. Biết Vinh có sở thích lạ, đi đường thấy có vật dụng gì ngồ ngộ ba mẹ lại nhặt về cho con trai.
Sau khi giành giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng” với các sản phẩm tái chế, Ngọc Vinh và nhóm bạn đang lên kế hoạch kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật tại các mái ấm, nhà mở.

Ý tưởng về những chiếc bút chì làm từ cành cây khô đến với Vinh lúc đang học lớp 12. Khi thấy những nhánh cây khô rụng trong sân trường, Vinh liền nghĩ đến chuyện tại sao không biến chúng thành những chiếc bút chì ngộ nghĩnh làm quà tặng thầy cô, bạn bè lúc ra trường. Nghĩ là làm, Vinh đục đẽo, cắt gọt rồi khoan một lỗ nhỏ giữa thân nhánh để cho ruột chì vào. Bạn bè thích thú với món quà độc đáo, còn Vinh thì miệt mài cải tiến để sản phẩm ngày càng đa dạng, đẹp hơn.

Nhà là xưởng, Facebook là cửa hàng
Trong ngôi nhà ở hẻm Cô Giang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ba mẹ dành hẳn cho Vinh một khoảng không gian tầng trệt để làm kho chứa đầy ắp vật dụng bỏ đi: từ những mẩu gỗ vụn xin được trong các tiệm làm mộc cho đến chiếc đồng hồ hư, đĩa CD hỏng bị vứt ở vỉa hè…
Ngoài giờ học ở trường, phần lớn thời gian Vinh dành cho việc đục đẽo, cắt gọt trong xưởng tái chế của mình. Chiếc máy khoan người chú tặng trở thành trợ lý đắc lực của Vinh, từ đây nhánh cây khô được biến thành bút chì, gỗ vụn thành móc khóa khắc chữ theo ý muốn, chuông gió… còn bìa thùng cac-tông được biến tấu thành những chiếc khung ảnh, đồng hồ lạ mắt.
Từ những lời truyền tai nhau, đơn đặt hàng liên tiếp đến với chàng sinh viên, có khi chỉ là 1-2 cây bút chì làm quà nhưng cũng có đơn hàng lên đến cả nghìn cây bút chì…
Trang Facebook cá nhân của Vinh có cái tên ngộ nghĩnh “Đại gia bút chì” – là nickname bạn bè đặt cho vì đến nhà Vinh lúc nào cũng có rất nhiều bút chì. Ngày trước, vỉa hè, công viên là nơi “đại gia bút chì” trải bạt ngồi bán bút chì kiếm thêm thu nhập. Bây giờ địa chỉ http://facebook.com/daigia.butchi trở thành nơi Vinh giới thiệu sản phẩm và nhận đơn đặt hàng.
“Sản phẩm tái chế giúp tôi kiếm thêm thu nhập khi còn là sinh viên. Nhưng cái làm tôi thích thú nhất là biến những vật dụng bỏ đi thành những món đồ có ích, sử dụng được”, Vinh bộc bạch.
PHI LONG
Theo Tuoi tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)