Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đại gia đình có 30 người theo nghề dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là gia đình ông Nguyễn Thanh Tám ở ấp Qúi Chánh, xã Nhị Qúi, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Gia đình “Thầy giáo Tám” có đến 30 người đã và đang theo nghề dạy học.

Tốt nghiệp trường Trung học Pháp –Việt ở Sài Gòn năm 1949, ông Nguyễn Thanh Tám cùng vợ là bà Cao Thị Giác về dạy học tại trường Tiểu học cộng đồng Nhị Quí (nay là trường Tiểu học Nhị Quí) cho đến năm 1980 thì nghỉ hưu.

Vợ chồng Thầy giáo Tám

Tiếp nối nghề nghiệp của cha mẹ, 13 người con của ông thi vào trường Sư phạm hầu hết đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trở về huyện nhà công tác. Không chỉ các con ruột của ông theo nghề giáo, mà hình như nghề này đã trở thành “cái duyên, cái nghiệp” của nhà ông khi mà phần đông các con dâu, con rể và cả cháu nội, ngoại đều theo nghề này. Như vậy, gia đình ông giáo Tám có đến 3 thế hệ theo nghề dạy học. Có một số người con của ông đã đến tuổi về hưu. Hiện tại, đại gia đình của ông đang có 15 người đứng trên bục giảng. Ngoại trừ người con thứ 12 là cô Nguyễn Thị Thu Hương phải theo chồng và hiện đang công tác tại trường THCS Nguyễn Du (Long Khánh- Đồng Nai) còn lại con, cháu của ông đều giảng dạy tại huyện Cai Lậy như: Trường tiểu học Nhị Quí, Tiểu học Phú Quí, THCS Phú Quí, THCS Nhị Quí, THCS Mỹ Long, THPT Lưu Tấn Phát…
Trước ngày giải phóng 30-4-1975, ngôi nhà ở chợ Nhị Quí của ông bà là nơi cưu mang, che chở cho biết bao lớp học trò từ nông thôn ra để tản cư, tránh đạn pháo của kẻ thù, giữ an toàn cho bao học trò đến lớp. Hơn 80 tuổi đời với trên 30 năm làm thầy giáo, trong cuộc đời đi dạy của mình, thầy giáo Tám đã rút ra được những điều tâm niệm dành cho người thầy, đó là: Đối với chính bản thân: nghiêm khắc, tự tin, kiềm chế; đối với công việc: Tận tụy, hiệu quả, sáng tạo; Đối với học sinh: Tận tâm, gương mẫu, bao dung; đối với phụ huynh: lắng nghe, giải thích, chân thành…Thầy luôn lấy những điều đó để nhắc nhở con, cháu trong gia đình. Thầy luôn dạy các con của mình phải luôn học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, đạo đức và phải luôn tâm huyết với nghề. Bởi vì, trong xã hội tiến bộ như hiện nay, ngoài việc tu dưỡng đạo đức, người thầy cần phải có tri thức cao… Khi được hỏi “Chọn nghề giáo thì phải chấp nhận nghèo” thế nhưng vì sao hầu hết mọi người trong gia đình thầy đều theo nghề này thì thầy giáo Tám cho biết: So với các nghề khác, giáo viên luôn là người có thu nhập thấp hơn, tuy không giàu có về mặt vật chất nhưng gia đình chúng tôi có một nguồn động viên tinh thần rất lớn, đó chính là sự yêu thương, kính trọng của học trò và sự tin yêu của phụ huynh”. Những ngày lễ, Tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà thầy rất đông học trò cũ về thăm, nhiều học sinh bây giờ đã thành đạt, có em giữ trọng trách lớn nhưng khi gặp lại người đã dạy dỗ mình thì hết sức lễ phép chào “thầy”… Đó là những tình cảm chân thành mà vật chất không thể đánh đổi được.

                                                       Diệu Hiếu

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)