Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đại gia” ở nhà lá

Tạp Chí Giáo Dục

Căn biệt thự mái lá ở Nam Sài Gòn đang trong giai đoạn hoàn tất

Ở biệt thự mái lá đang là xu hướng thể hiện đẳng cấp của không ít người. Thế nhưng, để thỏa mãn cái thú này xem ra không dễ dàng chút nào.
Thể hiện cái “tôi”
Một căn biệt thự có trị giá gần chục tỉ đồng nằm ở vị trí đắc địa được mệnh danh là thành phố mới Nam Sài Gòn được lợp bằng tranh đang là “tâm điểm” gây sự chú ý của nhiều người. Nằm sát mé sông Rạch Đỉa cùng với hàng chục căn biệt thự tương tự về kiểu dáng, nội thất nhưng duy nhất khác ở mái lá. Căn biệt thự này có lẽ là duy nhất ở Sài Gòn được lợp bằng lá. Có người bảo chủ nhân của nó chơi ngông, làm chuyện khác người. Cũng không ít người đi đường hiếu kỳ bảo nhau: “Nhà mái lá “rằng hay thì thiệt là hay” nhưng không may xảy ra hỏa hoạn thì nguy to”.
Ngược về phía Tây của huyện Bình Chánh cũng có một căn nhà lợp bằng lá nhưng kiến trúc đơn sơ, mộc mạc theo kiểu nhà của người Trung bộ xưa. Chủ nhân của nó là một “đại gia” trong giới mua bán bất động sản. Để đủ tranh lợp, ông phải đặt hàng rải đều các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bình Thuận… Nguyên liệu lợp nhà ở đây không sử dụng lá dừa nước hay tranh rạ (cây lúa) như ở một số vùng đồng bằng Bắc và Trung bộ mà là loại cỏ tranh quý hiếm. Cỏ tranh có tuổi thọ cao hơn so với các loại lá lợp thông thường, hơn nữa đó là cách thể hiện “cái riêng, cái tôi” của chủ nhân. Ít ai biết được chủ của căn nhà lá ấy hiện đang sở hữu hai chiếc xe Audi, Lexus đời mới.
Bước vào bên trong căn nhà lá ở Nam Sài Gòn, chúng tôi có cảm giác như đang đứng bên con suối giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Bởi không khí ở đây vô cùng mát mẻ, dễ chịu, thậm chí lành lạnh như mỗi sớm mai Đà Lạt. Đó là một căn biệt thự với lối kiến trúc hiện đại, mang phong cách châu Âu. Theo thiết kế, phần mái nhà được đúc bê tông. Ngoài lớp bê tông ấy người ta đóng rui, mè bằng sắt để lợp lá. Chỉ riêng phần bê tông thôi cũng đủ cách nhiệt, làm mát ngôi nhà. Đằng này, cách lớp bê tông hơn 1 gang tay có thêm lớp tranh dày, không mát mới có chuyện để nói. 
Làm thế nào để hài hòa kiến trúc của một căn biệt thự lá là câu hỏi khiến chủ nhân của nó hết sức đau đầu. Óc thẩm mỹ và nguồn tài chính chỉ đủ làm nên hình hài của một căn nhà. Làm sao để căn nhà có “hồn”, không gây “xốn” mắt người khác cần phải có chuyên gia trong ngành nội thất, kiến trúc tư vấn.
Xưa rồi nhà tranh vách lá
Ở nhà lá đang là một trào lưu của tầng lớp trung và thượng lưu. Với mục đích mang thiên nhiên vào ngôi nhà, chủ nhân của căn biệt thự lá ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (xuất thân từ một nông dân) đã vui vẻ đầu tư tiền tỷ vào đây, đó là ông Võ Văn Bảo. Ngôi biệt thự của ông được xây dựng trên một khu đất gần 0,8 ha. Trừ diện tích làm sân, hòn non bộ, vườn cây ăn trái… ông Bảo còn cho dựng thêm nhiều chòi lá xung quanh với kiểu quy hoạch chặt chẽ, liên hoàn như khu resort. Các công trình phụ như nhà kho, nhà vệ sinh, nhà bếp… được bố trí nằm riêng biệt, và cũng đều lợp bằng lá. Từ căn biệt thự, ông cho lắp những mô đất nhấp nhô, bắt cầu cây đi qua những căn chòi. Bên dưới là những ao sen thơm ngát, mé ao cho trồng hàng cây điên điển nở bông vàng rực. Ông Bảo nói, kinh phí để làm nên khu nhà này lên đến gần chục tỷ đồng, chưa kể đất. Đây là ý tưởng kinh doanh nhà hàng của con trai ông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì anh ta đã định cư ở nước ngoài. Hiện nay, mỗi tháng ông Bảo phải chi gần chục triệu đồng để thuê mướn người bảo quản, chăm sóc ngôi nhà. Hàng xóm của ông Bảo cho biết, nghe đâu có người đến hỏi thuê để kinh doanh nhà hàng, khách sạn với giá 70 triệu đồng/tháng nhưng ông chưa ưng ý.
“Đã xưa rồi cái thời nhà tranh vách lá. Càng xưa hơn cái thời ở nhà tường mái ngói”, anh Chu Hào (quận Bình Tân) khẳng định. Cũng chính vì “thèm” ở nhà mái lá mà anh quyết định bán căn hộ tại chung cư Lý Chiêu Hoàng để đưa vợ con về xây nhà tường mái lá ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM. Từ đó, anh được bạn bè, đồng nghiệp ở Tân Cảng gọi bằng cái tên khác, mộc mạc và gần gũi: “Hào nhà lá”. Đến tận bây giờ vợ anh vẫn chưa thôi mắng nhiếc vì cái tội “chê nhà tường, mê nhà lá” của chồng.
Chủ nhân của những ngôi nhà lá thường không được xem là “láng giềng” thân cận vì nhiều lý do khác nhau. Anh Chu Hào tâm sự: “Lúc mới xây nhà, một tuần tôi bị phường mời lên mấy lần vì đơn thưa kiện của lối xóm. Họ lo lắng một, mình lo lắng tới 10 vì nguy cơ hỏa hoạn nhưng vì thích quá nên chẳng thể hoãn lại”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Kỹ sư xây dựng Hoàng Công Khương (Công ty Thiết kế xây dựng nhà Nhà Mới, Q.5 – TP.HCM) cho biết: “Hiện có người đã nghĩ ra cách dẫn nước giữ lá luôn ẩm ướt để tránh nguy cơ hỏa hoạn. Hệ thống này đang có người chào bán với giá trên 20 triệu đồng, cao hơn nữa thì tùy diện tích mái. Tuy nhiên, cái khó là làm thế nào để lá gặp nước thường xuyên nhưng vẫn có tuổi thọ cao”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)