Tại nhiều tòa cao ốc văn phòng của những tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản, các vị lãnh đạo doanh nghiệp ngóng chờ những quyết định cuối cùng từ tân tổng thống Mỹ.
Quan ngại
Những công ty xuất khẩu lớn của Nhật Bản đang phải hứng chịu khó khăn trong hoàn cảnh nhu cầu thị trường về hàng điện tử và ôtô giảm sút, chưa kể đến việc đồng Yên lên giá. Trong thời điểm này, thị trường chứng khoán Nhật Bản mất hơn 35% giá trị và hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng một sự suy thoái đang đến với nền kinh tế Nhật Bản. Các nhà sản xuất ôtô lớn như Toyota và Honda đang chăm chú theo dõi xem chính quyền của Đảng Dân chủ ở Mỹ sẽ giải quyết việc trợ giúp ba đại gia xe hơi Mỹ là Chrysler, Ford, General Motors như thế nào để có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Vào lúc này, mặc dù doanh số bán hàng ở Mỹ giảm nhưng các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tiếp tục giành nhiều thị phần tại Mỹ và điều đó đồng nghĩa với việc luôn phải tính đến khả năng bị phản ứng dữ dội từ các công ty chế tạo xe hơi Mỹ. Nhìn chung, những dấu hiệu ban đầu tỏ ra tích cực: sau khi có tin ông Obama trở thành tổng thống Mỹ, chỉ số chứng khoán Nikkei tăng khoảng 4,5%. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Châu Á, Nhật Bản sẽ tìm kiếm sự đảm bảo của chính quyền Obama đối với vấn đề an ninh khu vực cũng như các nội dung khác về kinh tế nhưng tất nhiên tiền bạc là chuyện khó thống nhất giữa nền kinh tế số một và số hai thế giới. Chính vì thế sự quan ngại của Toyota, Honda và nhiều công ty phụ trợ khác của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản trước sự cứu trợ mạnh mẽ của chính quyền tân Tổng thống Obama với ngành xe hơi Mỹ không phải là không thực tế. Một khi có được sự ủng hộ của chính quyền, thì Ford, Chrysler và General Motors sẽ không ngồi yên nhìn Toyota và Honda làm mưa làm gió trên đất Mỹ và thế giới.
Và chờ đợi
Một trong những vấn đề còn gây lấn cấn giữa Mỹ và Hàn Quốc về kinh tế là Hiệp định thương mại song phương. Về mặt thương mại, giới doanh nhân Hàn Quốc sẽ trông ngóng và theo dõi xem tân Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ làm gì để thực hiện một Hiệp định tự do thương mại song phương năm 2007 với Hàn Quốc. Hiệp định thương mại với Hàn Quốc – bạn hàng lớn thứ bảy của Mỹ – sẽ là thương vụ lớn nhất đã được chính phủ của ông Bush đàm phán ký kết thực hiện và là hiệp ước thương mại lớn nhất của Mỹ tính từ Hiệp ước tự do thương mại khu vực Bắc Mỹ (NAFTA). Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ đã tính toán rằng một khi thực hiện đầy đủ hiệp định tự do thương mại song phương Mỹ – Hàn Quốc sẽ giúp tăng lượng hàng hóa xuất khẩu hằng năm từ Mỹ sang Hàn Quốc khoảng 10 đến 11 tỷ USD và tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Mỹ khoảng 6,4 đến 6,9 tỷ USD. Chính quyền của Tổng thống Bush từng nói rằng hiệp định thương mại song phương sẽ giúp kéo mức thuế Hàn Quốc áp vào ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 8% và dỡ bỏ nhiều hàng rào quy định khác. Ngược lại, Mỹ cũng giảm thuế áp vào sản phẩm ôtô Hàn Quốc xuống còn 2,5%. Tuy nhiên tân Tổng thống Obama từng phát biểu phản đối Hiệp định thương mại này và cho đó là sai lầm lớn của Mỹ đối với ngành ôtô. Ông Obama từng kêu gọi cả hai nước cần đàm phán lại và đảm bảo cho các nhà sản xuất ôtô Mỹ có khả năng thâm nhập sâu vào thị trường ôtô Hàn Quốc.
Như vậy có thể thấy, một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất của doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đối với tân Tổng thống Mỹ là chính quyền của Đảng Dân chủ sẽ giải quyết vấn đề ngành xe hơi của Mỹ như thế nào. Bất kỳ hành động giúp đỡ, trợ giúp nào của ông Obama với ba đại gia ôtô Mỹ cũng đồng nghĩa với việc nhiều khó khăn, gian nan sẽ đặt ra với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Và dường như Đảng Dân chủ sẽ quyết tâm giải quyết khó khăn của Ford, Chrysler, General Motors theo cách có lợi nhất cho nước Mỹ.
Hoa Chi (dddn)
Bình luận (0)