Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Đại gia” Thái chen vào thị trường bán lẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nhà đầu tư Thái tăng tốc mở rộng hệ thống siêu thị bán lẻ ở VN nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ VN

Chi vốn khủng để thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry, các nhà đầu tư Thái Lan còn tăng tốc để mở rộng hệ thống siêu thị bán lẻ ở cả TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ VN. Điều này đồng nghĩa với việc cánh cửa cho hàng Thái vào VN mở toang.

Người tiêu dùng chọn mua hàng Thái tại một hội chợ hàng Thái Lan tổ chức vào tháng 7-2014 ở TP.HCM – Ảnh: T.Đạm
Trong khi cái tên Berli Jucker (BJC) được nhắc đến nhiều với thương vụ mua lại 19 trung tâm phân phối cùng danh mục bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD (khoảng 18.459 tỉ đồng) từ Metro Cash & Carry, thì một nhà bán lẻ Thái khác cũng đang nhanh chóng triển khai một loạt hoạt động đầu tư vào mảng bán lẻ ở thị trường VN.
Tăng tốc chiếm lĩnh
"Hàng Thái hiện nay vào VN vẫn còn chịu thuế mà giá đã cạnh tranh dễ dàng với hàng Việt tại chỗ. Tương lai, khi thuế giảm về 0% hàng Thái sẽ vào một cách ồ ạt, nhiều ngành hàng VN phải vất vả chống đỡ"
VŨ KIM HẠNH
(chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)
Tập đoàn Central, nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan, vừa được cấp giấy phép để đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm Robins tại Crescent Mall, TP.HCM. Thời gian khai trương dự kiến vào tháng 11-2014.
Với diện tích hơn 12.000m2 gồm bốn tầng, chiếm khoảng 1/4 diện tích kinh doanh của Crescent Mall, theo nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, Robins có mô hình hoạt động như Parkson (Malaysia) nhưng tập trung vào hàng trung cấp, giá cả bình dân phù hợp với đại đa số người VN.
Sau khi đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm Robins đầu tiên tại Royal City, Hà Nội, nhà bán lẻ Thái Lan này đã nhanh chóng mở rộng ra phía Nam. Đây chỉ là bước đầu trong kế hoạch đưa trung tâm mua sắm Robins có mặt tại hầu hết các thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ… trong thời gian tới.
Đại diện Robins cho biết các trung tâm này sẽ giới thiệu hàng nghìn sản phẩm chất lượng được lựa chọn từ các thương hiệu trong và ngoài nước, đặc biệt là hàng Thái.
Không chỉ vậy, Tập đoàn Central cũng chính là đơn vị đưa vào VN hệ thống bán lẻ Anh Marks & Spencer (M&S) thông qua việc mua nhượng quyền từ công ty Anh quốc.
Cửa hàng đầu tiên sẽ khai trương chính thức tại TP.HCM trong mùa hè này.
Ông Tos Chirativat, chủ tịch hội đồng điều hành kiêm tổng giám đốc Central Group, nói: “Với sức mua của quốc gia 90 triệu dân, hơn 60% người tiêu dùng trẻ, VN là thị trường mục tiêu cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 cửa hàng Marks & Spencer được mở ở VN”.
Với BJC, trước khi thực hiện việc mua đứt chuỗi Metro Cash & Carry tại VN, nhà sản xuất, đóng gói và phân phối Thái Lan đã không quá xa lạ với thị trường VN. Từ năm 2010, tập đoàn này đã đầu tư vào Công ty Thai Corp International (TCI) và hiện đang nắm tỉ lệ sở hữu lên đến 75%.
TCI là công ty chuyên về phân phối có các cơ sở giao dịch với khách hàng tại các tỉnh thành với hơn 1.000 đại lý cho hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ tại VN. Bên cạnh đó TCI còn là nhà phân phối độc quyền các thương hiệu nổi tiếng, có lượng sản phẩm tiêu thụ nhiều như Red Bull, cá hộp Ba Cô Gái, Nestle and Bear… Nhưng TCI chỉ thật sự được nhiều người để ý khi là đại diện đứng ra thực hiện thương vụ mua lại chuỗi FamilyMart ở VN, và đổi tên hệ thống này thành B’smart.
Mở rộng thị trường
Khi 41 cửa hàng FamilyMart được chuyển thành B’smart vào tháng 6-2013, không lâu sau đó trên kệ hàng hóa của các cửa hàng này những sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Thái xuất hiện nhiều hơn.
Ngay khi thương vụ mua Metro Cash & Carry được công bố, đại diện BJC đã cho biết thỏa thuận với Metro sẽ tạo điều kiện cho BJC tiến vào thị trường VN và xa hơn là mở rộng thị trường khu vực, đưa hàng hóa Thái tiếp cận người tiêu dùng VN.
Theo bà Vũ Kim Hạnh – chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, lâu nay phân phối quyết định sản xuất và người Thái rất chuyên nghiệp trong câu chuyện này. Mua B’smart hay Metro Cash & Carry VN của BJC cho thấy họ không chỉ cạnh tranh mà còn muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ VN.
“Với nhiều “binh chủng” khác nhau đang được triển khai từ mô hình công ty phân phối đến cửa hàng tiện lợi, siêu thị, rõ ràng đích nhắm của người Thái là xây dựng thương hiệu Thái ở VN, giúp hàng hóa Thái phân phối bài bản ở VN cũng như thị trường khu vực” – bà Vũ Kim Hạnh phân tích.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Khánh, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nói ở mảng phân phối người Thái đã có mặt tại VN gần 20 năm nay, thương vụ với Metro Cash & Carry chỉ giúp hàng Thái Lan vào VN một cách bài bản, chính thống hơn.
Thực tế, các ông chủ người Thái đã âm thầm nghiên cứu người tiêu dùng VN thông qua các công ty thương mại, hội chợ hàng Thái từ lâu.
Theo ông Tos Chirativat, trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2015 hàng rào thuế quan giữa các nước trong khu vực ASEAN gần như được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho nhà bán lẻ nước ngoài kinh doanh tại VN. Lúc đó, việc ấn định giá sản phẩm của nhà bán lẻ gần với lợi ích của người tiêu dùng hơn, giá cả hợp lý và có thêm nhiều cửa hàng được mở hơn.
Hàng Thái ra chợ
Có mặt tại chợ Rạch Ông (Q.8, TP.HCM), chỉ cần hỏi mua chai nước rửa chén của Thái Lan, một tiệm tạp hóa ở đây ngay lập tức chỉ lên kệ dài với hàng loạt nước tẩy, bột giặt, nước giặt in chữ Thái trên bao bì. “Nước rửa chén 32.000 đồng, nước giặt 114.000 đồng” – chị chủ tiệm ở đây cho hay.
Tương tự, bước vào chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), hỏi các loại chén, bát, đũa ăn cơm hằng ngày có xuất xứ từ Thái cũng được chủ một sạp tạp hóa trưng ra vài ba loại, rẻ có, mắc có.
Không riêng gì chợ, các sạp tạp hóa, ở các siêu thị cũng có hàng Thái. Mặt hàng nhiều nhất vẫn là thực phẩm, các loại mì gói, bánh kẹo cho tới đồ nhựa, thau chậu. Tuy vậy giá khá cao như mì gói lên tới 12.000 đồng/gói hay các loại đồ nhựa đều cao hơn hàng trong nước 10-15%.
DŨNG TUẤN
Nhắm đến thị trường sữa, ximăng…
Không chỉ lĩnh vực bán lẻ, nhóm ngành hàng sản xuất, nhiều tập đoàn Thái cũng mạnh tay đầu tư thông qua việc mua lại các công ty VN.
Thương vụ đình đám nhất năm 2013 là Tập đoàn SCG (Thái Lan) – một trong những tập đoàn chuyên về ximăng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và giấy – đã mua lại 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Prime Group) – một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của VN – với giá trị 5.120 tỉ đồng (khoảng 240 triệu USD).
Một doanh nghiệp khác cũng thuộc chủ sở hữu với BJC là Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd vừa đăng ký mua thêm 15 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ ngày 15-8 đến 13-9. Tính theo giá cổ phiếu Vinamilk hiện tại là 114.000 đồng, lượng mua thêm này giá trị hơn 1.700 tỉ đồng, đưa lượng cổ phiếu mà Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd đang nắm giữ trị giá gần 11.000 tỉ đồng.
Sau giao dịch, cộng thêm số cổ phiếu thưởng Vinamilk chốt quyền vào ngày 13-8, tỉ lệ sở hữu của Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd sẽ tương đương 11,04% vốn điều lệ của VNM.

T.V.N. – N.B

NHƯ BÌNH (TTO)

 

Bình luận (0)