Không còn cảnh vung tiền bao cho các em chân dài, người mẫu như những năm trước, thời buổi khủng hoảng, nhiều đại gia đã phải trốn nợ.
Bấm máy đến lần thứ ba vẫn không thấy phía đầu kia đổ chuông, sếp Mạnh, chủ một salon ôtô đặt phịch chiếc điện thoại xuống bàn than thở: "Còn có 4 tỷ đồng mà gãi như gãi ghẻ vẫn chẳng thấy trả. Đúng là thời buổi khó khăn, khách VIP cũng tính bài xù nói chi người bình thường", ông nói.
Hồi cuối năm ngoái, sếp Mạnh bán cho vị khách kể trên 2 chiếc Lexus trị giá gần triệu USD. Hàng giao đúng hẹn, chất lượng thì miễn chê, thế nhưng khi thanh toán, khoản tiền lại bị "chặt" ra làm 3 khúc – trả thành 3 lần. Sếp Mạnh chép miệng coi như chuyện thường tình dù sao đây cũng là khách quen, đã dăm bảy bận mua hàng tại công ty. Các phiên giao dịch khác, ông khách này thường thanh toán đầy đủ, không thiếu một xu và cũng chưa từng than vãn nửa lời về chất lượng cũng như giá cả. Ấy vậy mà lần này, số tiền 4 tỷ đồng nợ quá hạn đã già nửa năm vẫn chẳng thấy bóng dáng vị khách đến trả.
Đã đôi lần, ông Mạnh gọi điện hỏi thăm nhưng điện thoại toàn ở chế độ “tò tí te”, khi đổ chuông thì không có ai nhấc máy. Cho rằng thời buổi khó khăn, khách hàng mình gặp khó, ông Mạnh đành xếp khoản tiền 4 tỷ đồng vào diện nợ khó đòi.
Theo lời kể của ông Mạnh, vị khách trên thuộc hàng đại gia có tiếng ở Hà Nội phất lên nhờ buôn đất đai và cổ phiếu. Ông nổi tiếng hào phóng và cũng không tiếc tiền khi tậu nhà, sắm điện thoại Vertu, mua ôtô Martiz cho người tình. Ấy vậy mà kể từ khi cổ phiếu liên tục lập đáy, thị trường bất động sản đóng băng – nhà đất không bán được khiến vị đại gia này rơi vào cảnh nợ nần. “Nghe đâu, hai chiếc Lexus cách đây hơn một tháng cũng bị đem đi cầm cố. Thôi thì dù sao cũng là chỗ thân quen, chẳng lẽ thấy người ta khó khăn mình cứ thúc nợ mãi”, ông Mạnh than thở.
Chủ một salon có tiếng ở Hà Nội cũng nhẩm tính khoản nợ của khách hàng mua xe đã vượt quá con số 30 tỷ đồng, trong đó có khoảng một nửa bị xếp vào diện khó đòi. “Toàn là giới đại gia có máu mặt cả đấy, coi chữ tín là vàng ấy vậy mà khủng hoảng khó khăn cũng biến thành dân xù nợ, thất hứa”, ông chép miệng.
Ông kể, trong số khách nợ tiền hàng tại công ty có rất nhiều đại gia khá nổi tiếng trên thương trường. Có vị tổng giám đốc một công ty dịch vụ nổi tiếng ga lăng từng bỏ ra cả 100.000 đôla mỗi năm để mua túi Louis Vuitton tặng các em, thế mà đến thời điểm này số nợ quá hạn tại công ty ông vẫn còn hơn 2 tỷ., chiếc xe Audi Q7 tậu cách đây vài năm cũng bị đem đi cầm cố.
“Khách quen là bạn bè. Họ gặp khó khăn đã không giúp gì được chẳng lẽ lại đẩy người ta vào thế khó hơn. Thôi thì đành phải gắng gượng, lấy chỗ nọ bù vào chỗ kia, chờ cho qua cơn khủng hoảng”, ông nói.
Ông cho rằng trong kinh doanh có lúc được lúc mất. Do vậy, nếu các sếp không biết xoay sở, thích ứng với thời cuộc, hoặc xử sự không khéo có khi mất cả bạn bè.
Mới đây, ông chủ một hãng hàng không tư nhân tại VN còn gây “sốc” với không ít người vì bị đối tác gửi "trát" về khoản nợ hơn 3 tỷ đồng. Ông tổng lớn tiếng khẳng định rằng số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu so với quy mô của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu gặp khó khăn, khoản nợ cứ bị khất lần khất lượt đến "quá tam ba bận" cũng khiến người ta đặt câu hỏi.
Nợ nần trong giới doanh nhân Việt Nam hiện nay đã trở thành câu chuyện “khổ lắm biết rồi nói mãi”. Không chỉ nợ tiền hàng, tiền mua sắm, thiết bị mà chuyện xù lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm xã hội cũng tăng với con số đáng báo động.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP HCM, tính đến cuối tháng 1/2009, trên địa bàn thành phố có 62 doanh nghiệp Hàn Quốc nợ bảo hiểm xã hội với số tiền trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có doanh nghiệp số nợ lên đến hàng tỷ đồng và thời gian nợ cũng kéo dài tới vài năm.
Điển hình có công ty TNHH Kwang Nam (quận Phú Nhuận) nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 12/2006 với số tiền trên 7 tỷ đồng. Hay trong vòng gần 1 năm, từ tháng 2/2007 đến cuối năm 2008, công ty TNHH Giày AnJin trở thành con nợ của bảo hiểm xã hội với hơn 6,5 tỷ đồng. Không chỉ nợ mà việc thực hiện pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp cũng rất phức tạp. Như công ty TNHH Giày AnJin vừa nợ khoản trợ cấp thôi việc, vừa nợ trợ cấp thai sản của người lao động. Công ty TNHH Sin B cũng không có gì khá hơn, lao động vẫn chưa được lãnh lương từ tháng 12/2008. Tương tự, 236 lao động làm việc tại công ty Lucky đến nay vẫn chưa lãnh được tiền lương tháng 12/2008, thưởng cuối năm và tháng 1/2009.
Số liệu của cơ quan hải quan cũng cho thấy doanh nghiệp mất tích khỏi nơi cư trú hay ông chủ bỏ trốn cùng với hàng tỷ đồng tiền thuế cũng có xu hướng gia tăng. Theo ước tính có khoảng 700.000 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế xuất nhập khẩu song chỉ có khoảng một nửa hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Tuy nhiên, trong số này có gần 10% doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn nợ đọng thuế.
Phan Linh Anh
Bình luận (0)