Trường Đại học Đà Lạt là 1 trong 5 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực năng lượng hạt nhân để phục vụ mục đích hòa bình, góp phần phát triển nhà máy điện hạt nhân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Là một trong những trường đại học hàng đầu khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Trường Đại học Đà Lạt đóng tại tỉnh Lâm Đồng có vị trí tiếp giáp với tỉnh Ninh Thuận – địa điểm sẽ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, gần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Nền tảng vững chắc đáp ứng nguồn nhân lực
Từ năm 1976, khi Việt Nam chưa có các cơ sở đào tạo về lĩnh vực hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo ba chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hạt nhân, đó là Vật lý hạt nhân; Hóa phóng xạ; Sinh học phóng xạ.
Trong nhiều năm qua, Đại học Đà Lạt đã đào tạo được hàng trăm cán bộ có chuyên môn sâu về lĩnh vực hạt nhân cho các cơ sở như Viện Nghiên cứu hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện có khoa y học hạt nhân…
Đại học Đà Lạt tổ chức tiếp nhận thiết bị Core Simulator (mô phỏng lõi lò phản ứng hạt nhân), sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân OPR 1.000 MW theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Ngoài việc đào tạo hệ cử nhân và kỹ sư ngành kỹ thuật hạt nhân, trường còn đào tạo cao học chuyên ngành vật lý kỹ thuật, trong đó phần quan trọng là kỹ thuật hạt nhân và tương lai gần sẽ đào tạo tiến sỹ chuyên ngành vật lý hạt nhân nguyên tử.
Cùng với khu thí nghiệm liên hợp khang trang, hiện đại với nhiều phòng thí nghiệm chuyên ngành, đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo và thực hành, trường còn có điều kiện thuận lợi hơn các cơ sở đào tạo khác là được sử dụng cơ sở thực hành tại Viện nghiên cứu hạt nhân, giúp cho công tác đào tạo và thực hành của Đại học Đà Lạt khi triển khai chương trình đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg giao Trường Đại học Đà Lạt là một trong năm cơ sở có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân bậc đại học.
Ngày 23/3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 2147/QĐ-BGDĐT về việc giao cho trường đào tạo hệ chính quy trình độ đại học ngành kỹ thuật hạt nhân.
Đến năm học 2014-2015, trường đã có 3 khóa đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân với số lượng khoảng 40 sinh viên/năm, điểm tuyển sinh đầu vào năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chương trình đào tạo được biên soạn dựa trên 35 năm kinh nghiệm giảng dạy ngành hạt nhân của cán bộ, giảng viên nhà trường và được sự phản biện độc lập của các chuyên gia trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, chương trình đào tạo ngang tầm với các chương trình đào tạo tiên tiến khác ở nước ngoài.
Việc đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Đà Lạt có tính khả thi cao bởi được xây dựng trên cơ sở tổ hợp các vấn đề về thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam, năng lực của trường về đội ngũ nhân lực chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, hợp tác trong nước và quốc tế.
Hàng năm, Đại học Đà Lạt kiểm định chương trình đào tạo nhằm cập nhật, chỉnh lý, sửa chữa để phù hợp với xu thế hiện đại.
Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực
Trên cơ sở pháp lý được phê duyệt có liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, Đại học Đà Lạt đã thực hiện đề án xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng hạt nhân giai đoạn 2013-2020.
Đây là một trong ba lĩnh vực mũi nhọn của Trường Đại học Đà Lạt nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực có thể làm việc trực tiếp trong các nhà máy năng lượng hạt nhân và các ngành kỹ thuật bổ trợ khác.
Sau khi ra trường, người học có thể nắm vững những kiến thức nền tảng và chuyên sâu về lý thuyết và các kỹ năng thực hành cần thiết, có thể trực tiếp tham gia giảng dạy tại các trường đại học, làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu hoặc tại các cơ sở liên ngành liên quan đến lĩnh vực hạt nhân; có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo cao hơn ở trong và ngoài nước.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt đặt ra mục tiêu cung cấp các kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để có thể thích ứng tốt với những công việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân, như nhà máy điện hạt nhân, thiết bị và năng lượng tiết kiệm hiệu quả, quản lý năng lượng, các hệ thống xử lý nước thải và vật liệu hạt nhân, khí thải của các dây chuyền công nghệ liên quan, lò phản ứng hạt nhân, an toàn hạt nhân, tương tác của bức xạ với vật chất, kỹ thuật ứng dụng chùm bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt nhấn mạnh đến nay, chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân của trường là chương trình đào tạo hoàn chỉnh nhất của Việt Nam về kỹ thuật hạt nhân, được cơ sở nước ngoài thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Đại học Đà Lạt đã đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân cho bật đại học hệ kỹ sư, thời gian đào tạo 4,5 năm với 135 tín chỉ.
Chương trình được đào tạo lồng ghép với thực hành phong phú trên các lĩnh vực tương tác vật liệu với bức xạ, nghiên cứu động học lò phản ứng hạt nhân, các quá trình điều khiển lò phản ứng, đánh giá phóng xạ và quan trắc phóng xạ môi trường…
Dự kiến đến kỳ cuối, sinh viên sẽ được thực tập tại một số cơ sở hạt nhân của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, Đại học Đà Lạt đã xây dựng định hướng đào tạo theo ba chuyên ngành chính là Tính toán lò phản ứng hạt nhân; An toàn bức xạ và kiểm soát phóng xạ môi trường; Ứng dụng chùm bức xạ trong đời sống.
Ở nội dung tính toán lò phản ứng hạt nhân, trường tiến hành lập dự án xây dựng các phòng thí nghiệm tính toán, mô phỏng và thiết kế lò phản ứng trên cơ sở thiết bị được tài trợ từ Hàn Quốc; xây dựng phòng thí nghiệm mô phỏng hoạt động của lò phản ứng tiên tiến, phòng thí nghiệm điều khiển vận hành lò phản ứng, kết hợp với việc vận hành lò phản ứng thực tại Viện Nghiên cứu hạt nhân. Đây được coi là lợi thế trong đào tạo nhân lực năng lượng hạt nhân của Đại học Đà Lạt.
Bên cạnh đó, Đại học Đà Lạt cũng đang xây dựng Trung tâm tính toán lò phản ứng hạt nhân với dự định đầu tư trang thiết bị và các phần mềm chuyên dụng để tính toán lò phản ứng.
Trong tương lai, Đại học Đà Lạt cũng sẽ mở các khóa huấn luyện, đào tạo ngắn hạn về tính toán lò phản ứng hạt nhân cho các kỹ sư vận hành lò phản ứng.
Lĩnh vực an toàn bức xạ và kiểm soát phóng xạ môi trường là định hướng mà trường đặt ra từ khi mới xây dựng chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân.
Đây cũng là nơi có điều kiện quan trắc nghiên cứu thuận lợi của vùng đất Tây Nguyên, cùng với đội ngũ cán bộ quan trắc môi trường của trường kết hợp với Trung tâm Quan trắc bức xạ môi trường của Viện Nghiên cứu hạt nhân, sẽ là lực lượng mạnh và chuyên nghiệp trong đo đạc, quan trắc phóng xạ môi trường.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hạt nhân của Đại học Đà Lạt giai đoạn 2013-2020, trường đã và đang gửi cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài như Hàn Quốc, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Nga… về các lĩnh vực thủy nhiệt, lò phản ứng, chu trình nhiên liệu, ứng dụng chùm bức xạ…
Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu ở trong và ngoài nước, đội ngũ giảng viên của Đại học Đà Lạt được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phương pháp dạy và học, tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Với những định hướng và chiến lược phát triển của Đại học Đà Lạt trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử nói riêng sẽ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đóng góp quan trọng cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước trong thời gian tới./.
HOÀNG LINH
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)