Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại học đâu phải là con đường duy nhất?!

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần này, các trường đại học lần lượt công bố điểm thi. Tuy chưa biết điểm sàn, điểm chuẩn, nhưng dựa vào kết quả điểm thi xếp từ cao đến thấp, thí sinh cũng có thể dự đoán mình đậu hay rớt được rồi. Chắc cũng chỉ có khoảng 25% bạn trẻ vui mừng, hy vọng cánh cửa đại học rộng mở với mình. Còn lại, phần lớn thí sinh sẽ có tâm trạng không vui, thua cuộc… Cùng với sĩ diện, tự ái, nếu thêm áp lực từ cha mẹ, người thân không ít bạn trẻ sẽ rơi vào trạng thái bế tắc, dẫn tới hành động nông nổi: tự tử. Hàng năm, thời điểm công bố điểm thi, các bệnh viện không thiếu những ca cấp cứu dạng này!
Thực ra, ngày nay cần phải thấy rằng nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội không phải chỉ có trình độ đại học; các ngành công nghiệp hiện đại đang cần rất nhiều lao động có tay nghề, qua đào tạo, từ trung cấp trở xuống. Tỷ như, INTEL ở khu công nghệ cao, cách đây hai năm cần tuyển cả chục ngàn kỹ thuật viên nhưng cho tới bây giờ hệ thống đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ. Nhiều ngành nghề mũi nhọn trong nền kinh tế đang hội nhập, phát triển cũng đang “khát” nhân lực có “tay nghề”. Nhìn chung, cơ cấu lao động phù hợp thực tế của một nền kinh tế đang phát triển là cứ 10 lao động thì có trên dưới 5 lao động phổ thông, 4 trung cấp, và 1 đại học. Số lao động phổ thông cũng phải dần dần được đào tạo bằng những khóa ngắn hạn.
Cách đây hơn chục năm, đã có nhiều công trình nghiên cứu về đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao dự báo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác đào tạo nghề, đào tạo chuyên nghiệp, trình độ từ trung cấp (khoảng 1-2 năm) trở xuống chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế hội nhập. Gần đây, số lượng học sinh đăng ký học chuyên nghiệp và nghề ngày càng nhiều, cơ cấu đào tạo có chuyển biến theo hướng tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nhưng tình hình chung vẫn chưa chuyển mạnh như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII.
Cũng phải thấy rằng tâm lý chuộng “khoa bảng” còn quá nặng nề trong xã hội. Giới trẻ vẫn còn truyền nhau “phi đại học bất thành phu phụ”; cha mẹ dù nghèo khó vẫn quyết chí nuôi con vào đại học. Có những gương người cha đạp xích lô nuôi 4 con vào đại học; có gương bà mẹ bán khoai nuôi con ăn học thành tiến sĩ… Có học bổng dành cho tân sinh viên nghèo như Tiếp sức đến trường, có chiến dịch Tiếp sức mùa thi, có rất nhiều đợt tư vấn mùa thi hoặc ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học… Giới truyền thông chúng ta có rất nhiều chương trình khuyến khích học sinh vào đại học. Tất cả điều đó là cần thiết, nhưng chưa đủ, chưa công bằng đối với lao động trung cấp, lao động giản đơn có qua đào tạo… Mà đội ngũ đó mới thực sự làm nên chất lượng sản phẩm, làm nên khối lượng của cải khổng lồ cho xã hội phát triển.
Cho nên, các bạn thí sinh, nếu có thi hỏng đại học thì cũng đừng nên bi quan, nản chí. Lao động ở trình độ nào cũng cần, cũng quan trọng như nhau, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Báo Giáo Dục TP Hồ Chí Minh cũng đã có loạt bài Những tỷ phú bước ra từ trường nghề cho thấy những lao động trình độ dưới bậc đại học đâu thua kém ai, thậm chí còn dễ xin việc và thu nhập cao. Vậy thì, các bạn nên có cái nhìn thực tế hơn để vào đời bằng con đường ngắn, hợp với khả năng của mình.
LONG PHỤNG SƠN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)