Tiến sĩ được đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo – ĐHQGHN, cho hay, trường quyết định hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu đồng/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Với học bổng cộng thêm các nguồn hỗ trợ khác từ hoạt động tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh có thể yên tâm, toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.
Đây là lần đầu tiên ĐHQGHN cấp học bổng lớn như vậy cho nghiên cứu sinh và cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một ĐH công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho hệ thực tập sinh sau tiến sĩ. Mục tiêu là thu hút được nhiều nghiên cứu sinh giỏi, tiến sĩ giỏi đến ĐHQGHN học tập, nghiên cứu, từ đó vị thế, tiềm lực khoa học công nghệ sẽ được tăng cường; ảnh hưởng, xếp hạng của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và quốc tế sẽ được giữ vững, rồi tăng mạnh trong vài năm tới.
Ông Đức cho hay, để có thể nhận được học bổng, ứng viên phải là nghiên cứu sinh của ĐHQGHN, không quá 40 tuổi, có điểm trung bình chung học lực ở bậc ĐH hoặc thạc sĩ từ 2.8/3.0 trở lên. Với thực tập sinh, áp dụng cho tất cả các tiến sĩ của các cơ sở đào tạo trong cũng như ngoài ĐHQGHN (kể cả ứng viên đang ở nước ngoài; người Việt Nam cũng như người nước ngoài) không quá 45 tuổi, muốn về ĐHQGHN thực tập sau tiến sĩ thời gian từ 1-3 năm.
Với nghiên cứu sinh, để duy trì học bổng liên tục trong 3 năm, ĐHQGHN yêu cầu trong thời gian đào tạo, nghiên cứu sinh phải đạt được chuẩn đầu ra là tác giả chính (tác giả tên đầu/tác giả liên hệ) của tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus, trong đó ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí được xếp hạng Q1 (xếp hạng cao nhất – đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ) hoặc ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí được xếp hạng Q2 trở lên (đối với các lĩnh vực khác). Với thực tập sinh, yêu cầu mỗi năm công bố tối thiểu 1 bài báo về kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành hạng Q2 trở lên, thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được xem như lực lượng quan trọng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học trong ĐHQGHN, được bố trí tham gia giảng dạy và được hưởng kinh phí từ hoạt động giảng dạy theo quy định của cơ sở đào tạo.
Thông qua hoạt động này, một mặt, các cơ sở đào tạo có thêm nguồn giảng viên trẻ, ưu tú. Mặt khác, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh được tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN, được nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)