Thống kê kết quả điểm thi trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 của nhiều trường đại học địa phương cho thấy với phổ điểm thi quá thấp, các trường đang đối diện nguy cơ dư thừa chỉ tiêu tuyển sinh. Trước thực tế này, nhiều trường đã tính đến phương án xin giãn điểm ưu tiên ở Điều 33 Quy chế tuyển sinh để thu hút thí sinh.
Thí sinh dự thi vào ĐH Y Dược trao đổi sau giờ thi môn Sinh. Ảnh: Mai Hải
|
Điểm thi quá thấp
Con số trên 11.000 thí sinh dự thi đối với một trường ĐH địa phương như Trường ĐH An Giang năm nay là con số đẹp. Tuy nhiên, kết quả điểm thi đã làm nản lòng thí sinh lẫn hội đồng tuyển sinh nhà trường. Nếu lấy bằng mức điểm sàn năm 2010, khối C chỉ có 82 thí sinh trúng tuyển, khối A có 373 thí sinh, khối M có 59 thí sinh, khối B có 295 thí sinh trúng tuyển và khối D1 có 438 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu xét theo từng ngành, số thí sinh trúng tuyển lại càng ít hơn. Trong khi đó, chỉ tiêu năm nay của trường lên đến 2.500.
Với tình hình điểm thi như trên, trường sẽ cần hơn 50% chỉ tiêu để xét nguyện vọng 2. Đặc biệt, 3 ngành được xem là có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế tỉnh nhà là khoa học cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, số thí sinh dự kiến trúng tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trường ĐH Đà Lạt có tổng chỉ tiêu lên đến 3.000 nhưng kết quả điểm thi chỉ có 885 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Nếu lấy bằng điểm chuẩn năm 2010 (khối A, D: 13 điểm: khối B, C: 14 điểm), toàn trường chỉ có 274 thí sinh trúng tuyển (chưa tính điểm ưu tiên).
Trong đó, nhiều ngành thiếu chỉ tiêu trầm trọng gồm Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông chỉ có 7 thí sinh trúng tuyển, ngành Công nghệ sinh học 4 thí sinh, Toán học 9 thí sinh, Nông học 7 thí sinh. Nghiêm trọng nhất là ngành Công nghệ sau thu hoạch, cả khối A và khối B chỉ vỏn vẹn 3 thí sinh trúng tuyển.
Trong khi đó, một trong những ngành có thế mạnh lâu nay của Trường ĐH Nha Trang là ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản năm nay bỗng dưng ế ẩm. Kết quả điểm thi vừa qua chỉ xác định vỏn vẹn 2 thí sinh trúng tuyển.
Đã vậy, ngành Khoa học hàng hải gồm những chuyên ngành như Điều khiển tàu biển, An toàn hàng hải chỉ có 2 thí sinh trúng tuyển. Nhóm ngành Nuôi trồng thủy sản với 3 chuyên ngành nhưng chỉ có 35 thí sinh trúng tuyển.
Vận dụng phương án giãn điểm ưu tiên
Chưa có mùa tuyển sinh nào mà các trường ĐH địa phương lại đối diện với nguy cơ thiếu người học như mùa tuyển sinh năm nay. Dù Bộ GD-ĐT chưa công bố điểm sàn nhưng các trường đã chuẩn bị sẵn phương án xin áp dụng giãn điểm ưu tiên để vớt chỉ tiêu NV1 và những nguyện vọng tiếp theo.
Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, Trường ĐH An Giang phải xin Bộ GD-ĐT cho trường được áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn cho 3 ngành: Khoa học cây trồng, Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản.
TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không chỉ điểm thi thấp mà nhiều ngành của trường nếu lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn năm 2010 sẽ có quá ít thí sinh trúng tuyển. Một vùng đồng bằng có thế mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhưng tiếc thay thí sinh không chịu học. Để cứu những ngành này, chủ tịch hội đồng tuyển sinh nhà trường đã soạn sẵn phương án xin giãn điểm để thu hút thí sinh nhằm tránh thiếu hụt nhân lực”.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, ưu tư: “Hội đồng tuyển sinh nhà trường đang nóng lòng chờ điểm sàn vì điểm thi của thí sinh tỉnh nhà quá thấp. Để có người học, nhà trường dự kiến trình bộ cho phép giãn điểm ưu tiên đối với thí sinh ở một số vùng khó khăn của tỉnh và ở nhiều ngành đặc thù”.
Trong khi đó, nhiều đại học địa phương khác ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên cho rằng, phương án bỏ điểm sàn là không khả thi. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều trường vì muốn đủ chỉ tiêu sẽ gom cả những thí sinh có vài ba điểm. Do đó, nhiều trường đã chọn phương án xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh để đảm bảo nguồn tuyển.
Không thể bỏ điểm sàn
GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: “Không thể bỏ điểm sàn. Nếu để các trường tự xác định điểm sàn thì không ổn vì lúc đó chất lượng đầu vào là đáng báo động. Đối với trường ĐH ở những vùng khó tuyển, ngành đặc thù… được quyền đề xuất phương án giãn điểm ưu tiên (Điều 33 Quy chế tuyển sinh) ngay khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Dựa trên đề xuất của các trường, bộ sẽ xem xét. Với những trường ngoài công lập, những trường phải xét tuyển NV2, NV3 nhiều nhưng việc không thu hút được thí sinh thì các trường nên xem lại tại sao trường mình lại không thu hút được thí sinh”.
|
Theo Thanh Hùng
(sggp)
Bình luận (0)