Một hiệu sách của Đại học Vilnius Li-tuy-a-ni |
Chỉ cần dạo chơi trong những hành lang của đại học xưa nhất – Vilnius (được thành lập từ thế kỷ 16) cũng nhận thấy ngay: đội ngũ giáo sư ở đây đã quá già. Trong những viện nghiên cứu nhà nước, 50% các nhà nghiên cứu đã “ngoại lục tuần, ngấp nghé thất tuần”. Giáo sư Đại học Sư phạm Rimantas Zelvys, 62 tuổi, nói: “Cái nghề hàn lâm không hấp dẫn gì đối với các sinh viên đã tốt nghiệp, bởi vì lương giáo sư thấp quá. Ai muốn theo đuổi nghiệp hàn lâm thì ra nước ngoài”.
Chế độ “tự trị nửa vời” của thế hệ cũ, dư âm của chế độ bao cấp thời trước, đã đặt ra một vấn đề lớn cần giải quyết. Rất nhiều người trong nước Li-tuy-a-ni non trẻ thiết tha muốn thay đổi tận gốc rễ cả một thế hệ giáo sư để xây dựng lại từ gốc vai trò của đại học theo đường lối dân chủ, và đem lại một sự thay đổi nền văn hóa theo yêu cầu của một đất nước phát triển hòa nhập với cộng đồng quốc tế, mà vẫn giữ được bản sắc Li-tuy-a-ni.
Giáo dục Đại học Li-tuy-a-ni bị khủng hoảng về tài chính liên miên, dù trong năm 2006, nhà nước đã dành 0,8 ngân quỹ quốc gia cho đại học công lập, một tỷ lệ gần với tỷ lệ trung bình của châu Âu, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, vì số sinh viên quá cao, gần 20 vạn sinh viên trên 3,7 triệu dân. Một dự luật về quy chế tự trị của đại học đã được đưa ra vào tháng 4-2007, nhằm cải thiện tình hình của các trường đại học. Đã có 600 ý kiến góp ý cho bản dự luật này, nhưng vẫn chưa được sinh viên thỏa mãn, trước hết vì học phí quá cao nếu dự luật được thông qua. Hơn nữa, triển vọng về việc thông qua dự luật này ở cơ quan lập pháp Li-tuy-a-ni vào tháng 10 này cũng không có gì chắc chắn, vì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau chưa có tiếng nói chung. |
Chính phủ Li-tuy-a-ni đã nhận thức được yêu cầu cấp bách đó, thể hiện trong dự án “Luật về sự tự trị của đại học”, theo đó tăng cường “bản sắc châu Âu của Li-tuy-a-ni”, và tính phổ cập trong các chương trình sử học, khoa học nhân văn. Dự án luật cũng nói đến việc tăng lương các giáo sư, giảng viên để có một đội ngũ giảng dạy có đức, có tài thật sự, đảm nhiệm được yêu cầu cao về chất lượng giảng dạy ở bậc đại học. Tuy nhiên một sự thay đổi như vậy, tuy cũng là một bước đột phá, cũng chỉ có thể tạo ra tác dụng giới hạn trong số những sinh viên đã tốt nghiệp, vì nghề dạy học đã từ lâu không còn được trọng vọng nữa. Ông Rimantas Zelvys nói: “Dưới mắt của người Li-tuy-a-ni nghề dạy học ít đảm bảo sự thăng tiến trong bậc thang xã hội, so với những ngành nghề kinh doanh và chính trị”. Trên thực tế, hầu như không ai tin rằng tăng lương sẽ đem lại một sinh khí mới cho nghề dạy học. Một giáo sư nói đùa: Tăng lương cho các nhà giáo chỉ giúp họ có thêm điều kiện “làm cách mạng văn hóa cá nhân”. Ý ông muốn nói các thầy cô giáo sẽ có điều kiện kiếm thêm nhiều tiền bằng các công việc xa lạ với giáo dục (buôn bán thêm, mở hiệu sửa chữa lặt vặt, làm dịch vụ…).
Trong những hành lang chạm trổ công phu, trang hoàng lộng lẫy theo phong cách Phục hưng của Khoa Luật, những bài giảng về luật không còn vang lên nữa. Chủ nghĩa kinh nghiệm trong công tác luật pháp vẫn là phổ biến. Đa số giáo sư chưa làm quen với Internet, và chỉ có thể nói được hai thứ tiếng là Li-tuy-a-ni và Nga, nên không thể tiếp cận được với những tài liệu khoa học hiện đại, cập nhật. Hơn nữa phương pháp giảng dạy cũng quá cũ. Anh Anton Daboulis, 22 tuổi, người phát ngôn của Hiệp hội sinh viên Li-tuy-a-ni cảm thấy không lạc quan lắm: Không phải giáo sư lớn tuổi nào cũng làm như vậy, nhưng đa số các thầy chỉ giảng lại bài đã có trong tài liệu, sách giáo khoa. Thầy là người “phát thanh”, còn sinh viên là “thính giả”, thế thôi. Điều đó chẳng khuyến khích gì sinh viên tranh luận, thảo luận, hoặc đối thoại với người dạy.
Cuộc cách mạng về giáo dục đại học nói riêng, và nền giáo dục nói chung của Li-tuy-a-ni còn phải trải qua một con đường dài khó khăn…
Phan Việt Khoa
(Theo Thế giới Giáo dục tháng 5/2008)
Bình luận (0)