Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi? – Bài 3: “Khuyết tật” ngày càng lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Sự bất ổn ở các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) không phải đến giờ này Bộ GD-ĐT mới biết. Một hội nghị được xem là lớn nhất đánh giá hoạt động loại hình trường này diễn ra tháng 1-2007 tại Đồng Nai đã bày ra rất nhiều “khuyết tật” của các trường. Tiếc là nó đã không được “bốc thuốc” để đến giờ sự bất ổn càng khó kiểm soát hơn.
  • Xây trường… trên giấy
Trước đây, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 cả nước phải đạt khoảng 30%-40% SV NCL. Tuy nhiên gần đây, cũng với mục tiêu này nhưng thời gian đã được “di dời” đến năm 2020. Thực tế hiện nay, tỷ lệ SV NCL mới đạt khoảng 11%-12%.
Đến năm 2020, cả nước có khoảng 4,5 – 5 triệu SV. Nếu đạt mức 30%-40% thì lúc đó có khoảng 1,35 – 1,85 triệu SV NCL. Nếu trừ đi số SV hiện nay khoảng 200 ngàn thì từ nay đến 2020, mỗi năm cần có thêm 115 ngàn – 145 ngàn SV NCL.
Đạt được con số này nếu nhìn từ thực tế hiện nay là điều không tưởng.
SV Khoa Kiến trúc Trường ĐH Dân lập Văn Lang trong giờ thực tập họa thất. Ảnh: Mai Hải
Các trường đang hoạt động thì tỷ lệ đầu tư cơ sở vật chất gần như không có gì, chỉ có thể “cầm cự” với quy mô hiện tại. Vì vậy, việc phát triển hệ thống trường NCL là cần thiết, nhưng phải đi kèm một cơ chế quản lý minh bạch và bền vững. 
Để mở một trường, khâu cơ sở vật chất là hết sức quan trọng và bắt buộc phải chứng minh là có thể đáp ứng được quy mô đào tạo. Thế nhưng, quy chế hiện hành thì… chưa có đất cũng có thể mở trường khi quy định trong hồ sơ xin thành lập chỉ cần “hồ sơ sử dụng đất hoặc văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền về giao quyền sử dụng đất để xây dựng trường” và “bản cam kết trong vòng 10 năm xây dựng trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường”.
Quy chế trường ĐHDL ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/TTg ngày 18-7-2000 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những điều kiện và thủ tục thành lập trường ĐHDL là bản cam kết trong vòng 10 năm xây dựng được trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường.
Hầu hết các trường ĐHDL hiện nay đều trên 10 năm trong khi cơ sở vẫn là thuê mướn, SV nhiều khoa phải chen nhau… học gộp. Điều này chỉ có thể lý giải, các trường đã vì lợi nhuận mà phớt lờ quy định trên và cơ quan kiểm tra theo quy định là Bộ GD-ĐT đã “quên” hậu kiểm!
Trong tình trạng hiện nay, có đất chưa chắc có thể triển khai dự án xây dựng được huống hồ chỉ cần… văn bản thỏa thuận về giao quyền sử dụng đất!
Tất nhiên, đây là một trong những điều kiện thoáng để khuyến khích phát triển loại hình này, nhưng do không quản lý, kiểm soát và chấn chỉnh kịp thời nên cơ chế này chẳng khác nào khuyến khích các trường đầu tư… đủng đỉnh.
Gần 20 năm ra đời nhưng đến nay đa số các trường ĐHNCL vẫn còn đi thuê mướn cơ sở là một minh chứng.
  • Tài sản của ai?
Hiệu trưởng một trường ĐHDL cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hậu quả như ngày nay là ngay từ đầu Bộ GD-ĐT quản lý các trường dân lập rất lỏng lẻo. Bộ GD-ĐT quản lý trường công bằng hai công cụ: thứ nhất là tiền do nhà nước rót xuống cho các trường thông qua Bộ Tài chính rồi qua Bộ GD-ĐT phân bổ đến các trường. Vì vậy bộ rất “có uy” với các trường công; thứ hai là bộ quản lý về mặt con người, toàn quyền chỉ định các chức danh hiệu trưởng ở các trường. Còn đối với các trường NCL, bộ chỉ quản lý được chỉ tiêu, chương trình đào tạo. Chính vì vậy mà trường nào thích làm đúng thì làm, còn thích làm… trái thì làm, vì các vấn đề quyết định như tiền và con người đều do họ tự quyết. Do đó, từ không quản lý chặt dẫn đến lại càng không biết nội tình như thế nào nên đặt bộ vào thế khó xử.
Chủ trương chuyển các trường dân lập sang tư thục đã được các nhà giáo, các trường ủng hộ, nhưng dường như đang “mắc cạn” bởi không thể giải quyết được vấn đề chủ sở hữu.
Theo quy chế tạm thời ban hành kèm Quyết định số 196/TCCB ngày 21-4-1994 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì ĐHDL do các cá nhân, tập thể hoặc các tổ chức kinh tế – xã hội đầu tư xây dựng với mục đích không kinh doanh, không vụ lợi cá nhân.
Quy chế tạm thời này đã là cơ sở ra đời nhiều trường ĐHDL trong thời điểm đó. Đến năm 2000, quy chế trường ĐHDL ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18-7-2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định tài sản của trường ĐHDL thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên của trường.
Các trường NCL hiện nay đều được thành lập và hoạt động theo cơ chế này, trong khi nguồn tài sản đã không được quy định rõ.
Sau một thời gian hình thành, tài sản của các trường đã tăng một cách chóng mặt, chỉ từ một vài tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay tài sản các trường đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng không biết đó là… của ai!
Nếu nói là tài sản của những người góp vốn ban đầu thì đầu tư trường học quả là siêu lợi nhuận bởi khối bất động sản khổng lồ. Còn nếu nói tài sản là của cộng đồng thì các cá nhân góp vốn không đồng tình.
Giãi bày với chúng tôi về trường hợp “mắc cạn” của trường mình, Tiến sĩ Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Văn Lang dẫn chứng: Tháng 11-1999, trường mua khu đất tại cơ sở chính trên đường Nguyễn Khắc Nhu quận 1 với giá 13,9 tỷ đồng (từ quỹ tích lũy xây dựng cơ sở vật chất) do nhà nước bán lại theo Nghị định 60. Nếu bây giờ chuyển sang tư thục thì phải định giá lại tài sản này.
Tại thời điểm mua, công ty thẩm định giá trị đất là 8 tỷ đồng và giá trị nhà là 5,9 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, tính theo giá thị trường thì khu đất rộng 1.200m2 của trường có giá 80 triệu đồng/m2, tương đương 96 tỷ đồng. Vấn đề hiện nay là tài sản này được xác định sở hữu như thế nào, của cộng đồng, của tập thể cán bộ nhân viên trường hay của cá nhân góp vốn ban đầu?
Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)