Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi? – Bài 4: “Lát cắt” từ một trường tư thục

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi có chủ trương chuyển dần các trường đại học dân lập (ĐHDL) sang tư thục (TT), đã có một số trường chuyển đổi. Tuy nhiên, kết quả việc chuyển đổi này, do chính sách chưa rõ ràng và thiếu kiểm soát, nên “khiếm khuyết” vẫn hoàn… “khiếm khuyết”. Chúng tôi cũng tìm cách “mục sở thị” một trong những trường “thay máu”. Đó là Trường ĐHTT Công nghệ thông tin Gia Định.
Nguy cơ khánh kiệt tài chính?
Được thành lập từ 31-7-2007, mới 2 mùa tuyển sinh nhưng Trường ĐHTT CNTT Gia Định đã rối như tơ vò vì mâu thuẫn nội bộ, tài chính không minh bạch, tập thể cổ đông mâu thuẫn với một số thành viên HĐQT…
Cơ sở 1 của Trường ĐHTT CNTT Gia Định đang thuê trong khuôn viên của sân quần vợt. Ảnh: T.HÙNG
Sự việc đã được hội đồng cổ đông, ban kiểm soát đưa ra tại đại hội cổ đông vào ngày 8-11-2008. Tính đến ngày 30-9-2007, tổng vốn góp của cổ đông và học phí của SV là 30 tỷ đồng (hơn 27 tỷ đồng tiền cổ đông và gần 3 tỷ đồng tiền học phí).
Thế nhưng, tổng chi của nhà trường tính đến 30-10-2008 lên đến 34 tỷ đồng. Như vậy, trường đã vay nợ đến 4 tỷ đồng. Việc sử dụng cơ sở vật chất cũng gây lãng phí lớn như: cơ sở thuê tại lô A15 – A19 Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 có diện tích 2.500m² (giá thuê 207 triệu đồng/tháng) được đầu tư 1,5 tỷ đồng nhưng chưa sử dụng.
Tương tự, cơ sở trên đường Lê Văn Sỹ đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, tiền thuê tổng cộng gần 1 tỷ đồng trong niên học 2007-2008 cũng không sử dụng hiệu quả. Riêng cơ sở chính hiện nay tại 285/291 CMT8 rộng 1.000m² cũng được thuê với giá 120 triệu đồng/tháng và đầu tư thêm khoảng 4,5 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm toán cho thấy nhà trường đang đứng trước nguy cơ khánh kiệt tài chính, rất nguy cho tương lai tồn tại của nhà trường. Các khoảng chi đa phần không phù hợp như: cơ sở tại  Củ  Chi chi cho khảo sát, thiết kế, san lấp… hơn 4,6 tỷ đồng, nhưng thực chi chỉ có 2,5 tỷ đồng, sửa chữa cơ sở quận 10 chi đến 1,86 tỷ đồng nhưng thực chi là 1 tỷ đồng, cơ sở tại quận 3 và quận 7 thất thoát khoảng 40% trên tổng số tiền đã chi, học thể chất – giáo dục quốc phòng chi 400.000đồng/SV trong khi các trường khác chỉ chi 180.000 đồng/SV…
Nhân sự thiếu ổn định
Trước thực trạng này, ban kiểm soát đã yêu cầu ban giám hiệu giải trình vốn góp cổ đông sáng lập (vốn báo cáo trước 30-7-2007 là 19 tỷ đồng của 16 cổ đông –  đã chi hết theo kiểm toán ngày 15-9-2007 và sau 30-7-2007 có thêm 14 cổ đông mới góp thêm gần 8,4 tỷ đồng) là vốn thật (tiền mặt hoặc những tài sản sáng lập cấu tạo nên) hay vốn ảo (vốn do các cổ đông sáng lập nên)?
Ban kiểm soát phản ánh, điều các cổ đông bức xúc nhất là không được ban giám hiệu thông tin minh bạch về tài chính, số vốn góp của cổ đông được sử dụng ra sao? Bởi vì điểm không minh bạch trong việc thu chi là vốn cổ đông mới gần 8,4 tỷ đồng từ tháng 11-2007 đến tháng 3-2008 đa số sử dụng để trả nợ cũ trong khi kiểm toán đến 31-7-2008 nhà trường không còn nợ mà dư trong quỹ 80 triệu đồng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong biên bản cuộc họp HĐQT của trường ngày 2-8-2008, các thành viên ban giám hiệu và HĐQT đã thống nhất nội dung: theo ý nguyện của TS Trần Hiếu Hạnh vì tuổi cao (năm nay 76 tuổi) sức yếu, không đảm đương trọng trách chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng nên xin rút lui và đề cử TS Nguyễn Xuân Sơn (Việt kiều Mỹ) thay thế vào chức vụ này trong nhiệm kỳ từ 2007-2012.
Được biết, trong thời gian ông Sơn làm thủ tục pháp lý đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận chính thức nhiệm vụ trên, ông Sơn được ủy quyền làm quyền chủ tịch HĐQT kiêm quyền hiệu trưởng nhà trường để quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của trường. Thế nhưng sự việc vẫn kéo dài.
Theo phản ánh của HĐQT, hiệu trưởng nhà trường không tạo sự ổn định trong quản lý nhân sự, đào tạo. Từ tháng 4 đến tháng 8-2008, hiệu trưởng ra quyết định thay đổi… 4 phó hiệu trưởng đào tạo! Chưa kể nhiều chức danh tại các khoa đào tạo, phòng ban bị bãi miễn liên tục.
Đánh giá của Thanh tra Bộ GD-ĐT vào tháng 6-2008 nêu rõ: “Trường chưa có đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải thuê mướn cơ sở để phục vụ công tác giảng dạy. Thiếu phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện đầu sách còn ít… Đội ngũ giảng viên cơ hữu không đáp ứng yêu cầu mở mã ngành đào tạo. Chưa xây dựng đề cương chi tiết các môn học…”. Điều này cho thấy, trường cần có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng kịp thời kiểm soát để tránh những sai sót tiếp tục xảy ra, mà ảnh hưởng đầu tiên là SV.
Vẫn chưa giải quyết được vấn đề sở hữu
Ngày 17-4-2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT. Quy chế này đã được soạn thảo và lấy ý kiến trong thời gian qua, cơ bản không khác mấy so với dự thảo.
Theo đó, hiệu trưởng ĐHTT phải có học hàm từ phó giáo sư hoặc học vị từ tiến sĩ trở lên với ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH từ cấp trưởng bộ môn, phòng hoặc ban; không phải là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước. Việc thành lập ĐHTT phải có ít nhất từ 3 thành viên (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia góp vốn điều lệ, trong đó mỗi thành viên chỉ được góp vốn điều lệ ở không quá 2 trường ĐH, CĐ TT với mức góp vốn tại mỗi trường tối đa 51%.
Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm, hy vọng có thể giải quyết được ách tắc trong chuyển đổi từ DL sang TT ở các trường hiện nay là chủ sở hữu thì vẫn không được đề cập ở quy chế này.
Đón xem bài 5: Đừng ác cảm với lợi nhuận.
 LINH AN – THANH HÙNG (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)