Một trong những vấn đề khúc mắc đang tồn tại hiện nay, tác động lớn đến việc quyết định nên phát triển đại học ngoài công lập (ĐHNCL) đến mức độ nào, quy mô nào, quản lý ra sao, vai trò trong hệ thống quản lý giáo dục quốc dân như thế nào, ở cấp nhà nước, là quan điểm: có hay không thương mại hóa trong giáo dục?
Thay thế hơn là hạn chế
Theo NGƯT-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng và nhiều nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục, vấn đề đang tồn tại và thực sự đáng suy nghĩ, đó là: Lợi nhuận thu được từ kinh doanh trong giáo dục được sử dụng cho ai và như thế nào, nếu có những đơn vị giáo dục quá quan tâm lợi nhuận đến mức tìm mọi cách tăng sự đóng góp của người học trong khi lại nỗ lực giảm chi phí bằng cách không đầu tư xứng đáng vào phương tiện học tập, cắt giảm chương trình?
Sinh viên Trường ĐH Dân lập Văn Lang tra cứu tài liệu học tập trong thư viện điện tử. Ảnh: MAI HẢI
|
Sẽ có rất nhiều lo ngại nếu lợi nhuận từ hoạt động giáo dục không được phân bổ phần lớn cho đầu tư mở rộng phương tiện vật chất và hiện đại hóa hình thức đào tạo, mà lại được sử dụng để tăng tài sản cá nhân của một số người. Trước hết là lo ngại khuynh hướng thương mại hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, không nên vì thế mà vội vàng đưa ra những chính sách hạn chế sự phát triển đầu tư của tư nhân vào giáo dục trong tình hình ngân sách nhà nước không thể tài trợ nổi. Chúng ta hoàn toàn có thể có những chính sách thay thế tốt hơn là hạn chế nó. Hơn nữa, một khi chấp nhận tư nhân đầu tư vào giáo dục, chúng ta không nên và không thể ngăn cản họ mưu cầu lợi nhuận, cũng như không có quyền tham gia vào việc quyết định sử dụng lợi nhuận ấy như thế nào.
Hai loại hình trường tư
Nhưng làm cách nào để có thể giải quyết được những tồn tại này? Từ mô hình quản lý hệ thống trường ĐHNCL của các nước phát triển, nhiều nhà nghiên cứu quản lý giáo dục của Việt Nam cho rằng, Nhà nước có thể phân các nhà đầu tư tư nhân vào giáo dục thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là nhóm mưu cầu lợi ích, nhưng tình nguyện không sử dụng phần lớn lợi ích vào mục đích tăng tài sản cá nhân, mà dùng lợi ích này để phát triển mở rộng quy mô và chất lượng cơ sở giáo dục.
Ở các nước phát triển, các trường nhóm này được gọi là đại học tư không vì lợi nhuận cá nhân. Chính phủ cấp đất và hầu như miễn thuế hoàn toàn cho đơn vị, với một ràng buộc nhất định là trên 70% lợi nhuận thường niên được sử dụng để tăng quy mô vật chất, củng cố chất lượng cơ sở và phân bổ cổ phần cho những người có quá trình làm việc, cống hiến cho sự phát triển của trường liên tục từ 10 năm trở lên.
Chính sách trên dẫn tới một hệ quả là những ngôi trường này chỉ vài mươi năm sau đã trở thành những trường có hệ thống hạ tầng và chất lượng hoạt động được xã hội thừa nhận. Cũng như từ chỗ nó là sở hữu của một nhóm người, trở thành sở hữu của hàng ngàn, hàng vạn người do cổ phần liên tục được mở rộng sau mỗi năm.
Với các trường đại học tư không đăng ký tình nguyện sử dụng lợi ích của cơ sở đào tạo vào việc phát triển chất lượng và quy mô cơ sở như loại hình nói trên, họ không nhận được bất kỳ ưu đãi nào của nhà nước. Nhà nước để họ tự do quyết định lợi nhuận sau thuế của mình, nhưng đánh thuế rất nặng như một loại hình kinh doanh dịch vụ, rồi dùng những khoản tiền thu được này củng cố chất lượng của những cơ sở giáo dục công lập.
Bằng cách này, các nước hạn chế việc tích tụ tài sản vào một nhóm cá nhân, và do mức thuế nặng, trong khi vẫn phải tốn kém cho đầu tư mở rộng trang thiết bị nhằm thu hút người học, đa số các cơ sở giáo dục nhóm này ở các nước phát triển sau một thời gian hoạt động, đều tình nguyện chuyển sang loại hình thứ nhất. Nguy cơ sử dụng lợi nhuận giáo dục vào mục tiêu tăng tài sản cá nhân dần bị loại trừ, trong khi vẫn khuyến khích được tư nhân đầu tư vào giáo dục có chất lượng.
Quy định chi tiết, kiểm tra chặt chẽ và công khai thông tin
Về việc cắt giảm chương trình, phương tiện và điều kiện hỗ trợ của cơ sở giáo dục vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, Nhà nước có thể hạn chế bằng nhiều cách: Đưa ra những hệ thống tiêu chí chi tiết quy định điều kiện vật chất và phương tiện tối thiểu để cơ sở đào tạo phải chấp hành nếu muốn được phép tuyển sinh, và mỗi năm đều phải tiến hành kiểm tra. Có thể thành lập hội đồng xếp hạng đại học một cách khách quan theo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo hàng năm, rồi phổ biến bảng phân hạng này cùng những thông tin đầy đủ về từng trường đến với xã hội. Các trường sẽ thấy sức ép phải không ngừng củng cố điều kiện và trang bị để không rớt hạng, bởi việc rớt hạng rất dễ dẫn tới việc bị sinh viên tẩy chay.
Một khi thông tin về tình hình các cơ sở giáo dục được cung cấp đầy đủ và cân xứng đến người dân, tự họ sẽ quyết định một cách chính xác việc nên chọn học ở trường nào và chính sức ép của người học sẽ gián tiếp buộc các cơ sở đào tạo phải không ngừng củng cố chất lượng. Nhà nước không cần và không quyết định thay cho người học việc họ nên học trường nào.
Một khi thông tin về điều kiện học hành đã cân xứng, đầy đủ, mà vẫn còn những trường tư có mức học phí rất cao, thì điều đó có nghĩa là người học vẫn chấp nhận do thấy có chất lượng cao hoặc có nhiều cơ hội ở một trường tốt. Chúng ta không thể và không có quyền ngăn cản việc muốn đóng học phí cao vào một trường nào đó của những công dân có khả năng.
Trách nhiệm hợp lý của Bộ GD-ĐT là tiến hành kiểm tra và công khai thông tin để đảm bảo rằng trường ấy có đủ điều kiện tạo ra sản phẩm chất lượng.
Trong những năm qua, công lao và sự đóng góp của các trường ĐHNCL cho xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cách quản lý của Bộ GD-ĐT khiến hệ thống trường ĐHNCL tồn tại những “khuyết tật” đáng kể. Một hệ thống non trẻ với sự hình thành chỉ chừng 20 năm, khiếm khuyết là điều đương nhiên. Song, nếu bộ có cách tiếp cận quản lý đúng đắn ngay từ đầu sẽ không bị quá tải trong quản lý, dẫn đến “thả nổi” như hiện nay, để rồi khiếm khuyết của “chàng trai 20 tuổi” ấy không thể khắc phục.
Dù còn đầy rẫy “khuyết tật”, các nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục đều cho rằng: vẫn phải tiếp tục phát triển hệ thống trường ĐHNCL với các đòi hỏi trước mắt: quy trình thành lập trường rõ ràng, minh bạch, có tiến độ để tránh tiêu cực; thủ tục kiểm soát phải rõ ràng, nghiêm túc; các trường phải có một hội đồng trường đúng nghĩa… Và, để “uốn nắn” những khuyết tật, để củng cố lại chất lượng đào tạo từ các trường ĐHNCL mà lịch sử để lại, hơn lúc nào hết, đang cần bàn tay sắt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
|
LINH AN – THANH HÙNG (SGGP)
Bình luận (0)