ĐH Quốc gia đã qua trải nghiệm hơn 2 thập kỷ nhưng còn nhiều hạn chế vì nó mặc áo quá chật, vì chưa có luật điều chỉnh bảo đảm cho nó có thể phát triển tốt hơn – đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.
Dự án luật Giáo dục đại học (GDĐH) một lần nữa được đưa ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp toàn thể ngày 25/5. Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, phân tầng đại học… là những nội dung vẫn có nhiều tranh luận trái chiều.
Tự chủ không hậu kiểm, hậu quả khó lường
Điểm mới được ghi nhận trong dự luật là quy định cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng: "Quyền tự chủ không phải là một phần thưởng dành cho các trường".
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) “gật đầu” với quan điểm này khi dẫn chứng, trong số 400 trường đại học, cao đẳng hiện nay, nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên… không đồng đều về quy mô, chất lượng.
“Giao quyền tự chủ cho các trường nhưng phải có lộ trình vì hầu hết các trường chưa đủ khả năng kiểm soát để giao tất cả. Và có giao thì đồng thời cũng phải tiến hành thu quyền tự chủ nếu các trường vi phạm” – vị Phó GĐ Sở GD-ĐT đề nghị quy định quyền tự chủ hạn chế vì nếu trường nào cũng tự chủ sẽ khó kiểm soát chất lượng GDĐH.
Bà Hải cũng hoan nghênh ngành giáo dục vừa qua đã kiên quyết đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường. Tuy nhiên, điều đó cho thấy nếu giao quyền tự chủ mà không hậu kiểm thì hậu quả rất lớn.
Tán thành lập luận này, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định Bộ GD-ĐT có trách nhiệm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và chương trình, giáo trình mà các trường biên soạn, đặc biệt chú ý các trường đại học địa phương, đại học tư thục.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng không nên coi quyền tự chủ giống như một phần thưởng, làm tốt thì thưởng, làm không tốt thì cắt thưởng. Phải quan niệm rõ ràng, nếu trường đại học nào có đủ các quyết định thành lập thì đương nhiên có quyền tự chủ.
Xây dựng quy định mới để ĐH QG thực hiện tính tự chủ
Xung quanh đề xuất đổi tên Đại học Quốc gia thành Viện đại học, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ nêu quan điểm, mặc dù có cơ cấu đa lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp giống nhau song Đại học Quốc gia có vị thế đặc biệt mang tầm quốc gia, có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao ngang tầm khu vực, tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế, với vai trò là đầu tàu đổi mới của hệ thống GDĐH Việt Nam. Trong khi đại học vùng là cơ sở GDĐH trọng điểm có vai trò then chốt đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cho một vùng kinh tế – xã hội với địa vị pháp lý tương ứng. Do đó, việc phân biệt các đại học và Đại học Quốc gia là cần thiết để có chính sách đầu tư và cơ chế quản lý phù hợp.
Dự luật vì vậy có thêm quy định khái quát đặc thù về địa vị pháp lý và sự phân công trách nhiệm giữa Đại học Quốc gia với các trường đại học thành viên trong hoạt động đào tạo. Trong khi những vấn đề khác được lồng ghép vào các quy định chung với các đại học vùng và cơ sở GDĐH khác.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã có hơn 100 năm lịch sử.
Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng cho rằng nên để Đại học Quốc gia vì tên gọi này gắn liền với truyền thống, thương hiệu một thế kỷ qua, với vai trò đặc biệt tiêu biểu cho giáo dục Việt Nam, với sứ mạng của đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, đặc biệt nổi trội vai trò đi đầu tiên phong đổi mới của GDĐH quốc gia.
Sự tiên phong đi đầu đó trong đổi mới có cả thành công và không thành công, sẽ có lĩnh vực được chấp nhận và chưa được chấp nhận. Do đó cần có chính sách, cơ chế quản lý đầu tư phù hợp và phải có Đại học Quốc gia để phân biệt với các đại học khác làm nhiệm vụ ấy.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phân tích, tư tưởng xây dựng Đại học Quốc gia có ngay từ những ngày đầu đất nước độc lập. Tên gọi này cũng qua trải nghiệm hơn 2 thập kỷ, dù còn nhiều hạn chế.
“Những hạn chế là vì nó mặc áo quá chật, vì chúng ta chưa có luật điều chỉnh bảo đảm cho nó có thể phát triển một cách tốt hơn. Phân tích sâu, phải chăng Đại học quốc gia là một sự ban phát – một hệ lụy rất lớn mà ta gọi là quan hệ xin cho. Điều quan trọng bây giờ là phải tạo ra mặt bằng của sự công bằng và hạn chế xin cho với loại hình trường” – ông Quốc kỳ vọng, luật GDĐH lần này sẽ đảm nhiệm được trọng trách đó.
Giải trình thêm vấn đề, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận diễn giải quy định về hoạt động của Đại học Quốc gia và ba đại học hai cấp hiện đã bộc lộ bất cập sau 10 năm triển khai. Bộ đang tổ chức xây dựng hệ thống quy định mới để Đại học Quốc gia thực hiện tính tự chủ.
Theo DTO
Bình luận (0)