Đó là một phương án đổi mới của ĐH Quốc gia TP.HCM đề ra trong Hội nghị Tổng kết tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008 và phương hướng tuyển sinh năm 2009 vừa qua.
62 tỉnh có SV theo học
Theo báo cáo số liệu các thí sinh trúng tuyển vào ĐH Quốc gia giai đoạn 2004-2008 thì Lai Châu là tỉnh duy nhất trong cả nước không có thí sinh đăng ký dự thi cũng như là sinh viên theo học tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia. Trong 62 tỉnh, thành có SV theo học tại đây thì TP.HCM là đơn vị có tỉ lệ cao nhất về số thí sinh trúng tuyển, chiếm 23,8% (gần 14.800 thí sinh). Kế đến là các tỉnh Đồng Nai (7,95%), Bà Rịa – Vũng Tàu (4,27%), Lâm Đồng (3,76%), Đắk Lắk (3,66%)… TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Có 19 tỉnh, thành có trên 1.000 sinh viên học ở các trường thành viên ĐH Quốc gia. Các tỉnh tiếp theo chủ yếu là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, có những tỉnh, thành có số SV trên 1.000 nhưng vẫn chưa có ký túc xá cho sinh viên. Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 2.000 sinh viên nhưng vẫn chưa có ký túc xá.
Bên cạnh 2 trường là ĐH Khoa học Tự nhiên và Khoa Kinh tế có tỉ lệ nhập học cao hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh trong mùa tuyển sinh 2008, thì có đến 4 trường có tỉ lệ nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Đó là Trường ĐH Bách khoa (91%), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (99%), ĐH Quốc tế (66%), ĐH Công nghệ Thông tin (89%). Qua đó, tỉ lệ nhập học năm 2008 của ĐH Quốc gia TP.HCM thấp hơn so với năm 2007 (97% so với 99% năm 2007). Đó là một trong những đặc điểm chung của mùa tuyển sinh vừa qua, khi nhiều trường khác cũng gặp tình trạng tương tự như ĐH Quốc gia Hà Nội (83,6%), ĐH Sư phạm TP.HCM (92%), ĐH Nông lâm TP.HCM (93%), ĐH Kinh tế TP.HCM (95%)… TS. Lê Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia, đưa ra đánh giá: “Số TS trúng tuyển và nhập học vẫn ảo nhiều. Bên cạnh đó, phải kể đến tính cạnh tranh cao vì có những thí sinh có điểm cao vẫn không thể đỗ vào các trường thành viên”.
Chỉ tiêu tăng 3% nhưng… lo đầu vào
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM được các thành viên xác định với tiêu chí quy mô chính quy tăng không quá 3% so với năm 2007. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh 2009 của cả ĐH Quốc gia là 13.115, tăng 3% so với năm 2007 (12.700). Cụ thể: ĐH Bách khoa (3.550), ĐH Công nghệ Thông tin (725), Khoa Kinh tế (1.730), ĐH Quốc tế (610), ĐH Khoa học Tự nhiên (3.600), và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (2.900).
PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban ĐH và sau ĐH, cho biết kế hoạch phục vụ công tác tuyển sinh năm 2009 của ĐH Quốc gia sẽ xây dựng điểm sàn chung và tổ chức việc liên thông xét tuyển giữa các trường thành viên của ĐH Quốc gia. Bên cạnh đó, lãnh đạo ĐH Quốc gia cũng đang lên kế hoạch tổ chức một Ngày hội Tuyển sinh chung cho các trường thành viên, xây dựng thương hiệu và “hạn chế việc bị lợi dụng thương hiệu từ các doanh nghiệp”. Hiện nhiều trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đều có chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng với cách tuyển sinh như hiện nay thì việc lựa chọn sinh viên vào các chương trình này rất khó thực hiện. Và với viễn cảnh “năm 2010 sẽ còn duy nhất kỳ thi “2 trong 1” thì các trường sẽ tuyển sinh như thế nào để tuyển được những sinh viên có năng lực?”, TS. Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa băn khoăn.
Tại Hội nghị, ĐH Quốc gia cũng thông báo định hướng tuyển sinh năm 2010 – một kế hoạch đi trước đón đầu để không “ngỡ ngàng” với kỳ thi “2 trong 1”. Theo đó, sẽ xây dựng chuẩn ngoại ngữ cho thí sinh đăng ký vào ĐH Quốc gia; tổ chức liên thông giữa Trường Phổ thông Năng khiếu với các trường thành viên; chỉ tính điểm kỳ thi sau THPT, cho trọng số đối với từng môn, và xác định ngưỡng; chỉ tính môn thi của kỳ thi sau THPT tương ứng với từng ngành; kết hợp điểm thi sau THPT với quá trình học ở bậc THPT, thành tích đạt được. TS. Nguyễn Đức Nghĩa thông báo: “Xu hướng chung sắp tới các trường sẽ tuyển sinh theo từng nhóm ngành gần nhau của từng trường như thành công của ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, và sắp tới là ĐH Bách khoa”.
Anh Nguyễn (Giáo dục & Thời đại)
Bình luận (0)