Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại học sáng tạo cho Việt Nam: Nhiều ưu điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Ý tưởng cho mô hình ĐH sáng tạo bắt nguồn từ Phần Lan năm 2005, sau đó lan tỏa sang các trường ĐH thuộc khối liên minh châu Âu. Một nhóm nghiên cứu gồm các hiệu trưởng, giáo sư đầu ngành và lãnh đạo các công ty Phần Lan đã liên kết những trường ĐH hàng đầu trên thế giới để xây dựng hình mẫu cho ĐH sáng tạo. Ngay cả Ấn Độ cũng định hướng giai đoạn 2010-2020 là “thập kỷ đổi mới sáng tạo quốc gia” và tháng 4 vừa qua, Chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch thành lập 14 trường ĐH sáng tạo. Hiện nay, Dự án ĐH sáng tạo đang được nhiều nước quan tâm và triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo quốc gia trong cải tổ hệ thống giáo dục ĐH.
GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm (Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng ĐH sáng tạo được xem như hình mẫu cho ĐH tinh hoa trong thời đại công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Nếu như tài chính của mô hình ĐH nghiên cứu chủ yếu do Nhà nước cấp và một phần từ các tập đoàn, nhà đầu tư thì ở ĐH sáng tạo, ngân sách được huy động từ nhiều nguồn (từ các hoạt động đổi mới sáng tạo), quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ cho đổi mới sáng tạo. Điểm nổi bật ở ĐH sáng tạo chính là phát triển cơ sở hạ tầng trên nền tảng công nghệ thông tin, không cần đầu tư nhiều vào phòng ốc, phòng thí nghiệm, thay vào đó tập trung cho phát triển thư viện số, giảng đường ảo, liên kết với các ĐH khác cùng chia sẻ cơ sở hạ tầng. Điều này hoàn toàn ngược lại với ĐH nghiên cứu, chủ yếu đầu tư các phòng thí nghiệm, thư viện, phòng ốc, đất đai. ĐH sáng tạo thu dụng người tài giỏi theo các tiêu chí tuyển chọn phi truyền thống, coi trọng khả năng giải quyết vấn đề, tính sáng tạo, kết quả hoạt động thực tiễn… Cũng theo GS. Kiếm, với giáo dục hiện tại, dường như chỉ có các ĐH tinh hoa (nghiên cứu) mới đáp ứng một phần nhân lực cho nền kinh tế tri thức và sáng tạo. Để gia tăng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng phát triển tri thức và sáng tạo, giáo dục ĐH đương đại cần chuyển từ giáo dục ĐH cho đại chúng thành giáo dục ĐH sáng tạo cho đại chúng.
Luồng gió mới cho giáo dục nước nhà
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của mô hình mới. Theo Thứ trưởng, ĐH sáng tạo là một mô hình rất mới. Lâu nay chúng ta chỉ có ĐH nghiên cứu, ĐH theo hướng ứng dụng, các trường CĐ đào tạo nghề nghiệp. Việc đầu tư cho các trường ĐH nghiên cứu lại hết sức tốn kém, các nước đang phát triển như chúng ta rất khó có thể hình thành được những ĐH nghiên cứu thực sự. Mô hình ĐH sáng tạo mà thực chất cũng là ĐH nghiên cứu nhưng đầu tư ở mức độ thấp hơn (nhờ vào nền tảng công nghệ thông tin cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ như sử dụng các thư viện điện tử, chia sẻ các nguồn tài nguyên, tạo điều kiện kết nối qua internet)… giúp giảm đi sự tốn kém thường gặp đối với các trường ĐH nghiên cứu trước đây. Vì vậy, mô hình này có thể rất thích nghi với nước ta khi muốn phát triển các ĐH nghiên cứu.
Thứ trưởng còn nhấn mạnh, khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH, Nhà nước sẽ quản lý chất lượng đầu ra, các trường tự chủ trong quá trình đào tạo. Sự đa dạng trong các mô hình tổ chức đào tạo và quản lý khác nhau sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng. Cùng với những mô hình khác, mô hình trường ĐH sáng tạo có thể sẽ là phương án tích cực để các trường ĐH Việt Nam tham khảo áp dụng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH nước nhà.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Chính phủ hiện ban hành chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 và Quốc hội cũng đã thông qua Luật Giáo dục ĐH để làm nền tảng cho công tác đổi mới. Vì vậy, khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực vào ngày 1-1-2013, các trường sẽ được giao quyền tự chủ rất cao, trong đó có quyền tự chủ xây dựng các chương trình đào tạo, mô hình tổ chức quản lý… Nhà nước chỉ còn quản lý chất lượng đầu ra, thay vì quản lý chương trình khung như trước đây.
Mê Tâm

Bình luận (0)