Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đại học Tây Đô và lời giải cho bài toán khởi nghiệp cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Đại học Tây Đô và lời giải cho bài toán khởi nghiệp cho sinh viên - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Đại học Tây Đô và lời giải cho bài toán khởi nghiệp cho sinh viên Audio

Trường Đại học Tây Đô vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp bền vững – Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm”.

PGS.TS Nguyễn Văn Bá – Trưởng khoa Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Tây Đô (bìa phải), tặng hoa tri ân các đơn vị đồng hành cùng khoa trong đào tạo  

Tham dự có đại diện các viện, trường đại học; các sở ngành liên quan và nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng các mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững là một hướng đi đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

PGS.TS Nguyễn Văn Bá – Trưởng khoa Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Tây Đô, cho biết: “Hội thảo là dịp để chúng ta trao đổi, và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là từ các doanh nghiệp (DN), từ những cựu sinh viên đã thành công trong khởi nghiệp của bản thân trong sản xuất nông nghiệp bền vững – một lĩnh vực không chỉ quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam mà còn mang ý nghĩa khoa học sâu sắc, đặc biệt trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sống lâu sống khỏe, và phát triển nông nghiệp bền vững”.

ThS. Nguyễn Văn Vũ An – Trường Đại học Trà Vinh, trình bày tham luận “Vai trò của trường đại học trong thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp: Minh chứng từ Trường Đại học Trà Vinh”

Một trong những chia sẻ thu hút sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các bạn sinh viên, là “Hành trình khởi nghiệp từ nuôi tôm” của kỹ sư Nguyễn Tấn Khanh, cựu sinh viên Trường Đại học Tây Đô. Theo đó, sau khi tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản năm 2019, anh Khanh làm việc tại một công ty thủy sản một thời gian để học hỏi kinh nghiệm, sau đó “tiếp quản” trang trại nuôi tôm của gia đình và bắt đầu hành trình khởi nghiệp… Trải qua nhiều khó khăn và không ít thất bại, đến nay kỹ sư Khanh đã là ông chủ trẻ rất thành công của trang trại nuôi tôm tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, gồm 10 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 15.000m2.  Mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ; sản lượng mỗi ao từ 3 đến 5 tấn. Sản phẩm được đánh giá cao tại thị trường trong và ngoài nước. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận đạt từ hơn 500 triệu đến 700 triệu đồng/năm; đồng thời đem lại công ăn việc làm cho hàng chục lao động.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Khanh chia sẻ những kinh nghiệm: “Hành trình khởi nghiệp từ nuôi tôm”

Từ thực tiễn khởi nghiệp, kỹ sư Khanh cho rằng: “Thất bại không phải là dấu chấm hết, mà là bài học để đi tiếp… Đối với người trẻ, có ý tưởng khởi nghiệp, bước đầu có thể không cần nhiều tiền những rất cần có kiến thức khoa học công nghệ và phải luôn học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp; có mối quan hệ và sự kiên trì và phải bắt đầu làm từ chuyện nhỏ… Đối với trường đại học, để nâng cao chất lượng đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên sâu, phòng thí nghiệm hiện đại, trạm – trại để sinh viên có điều kiện thực hành, rèn luyện kỹ năng, từ đó thích ứng tốt hơn khi bước vào công việc thực tế”.

Ban tổ chức và các đại biểu

… Tại hội thảo, các tham luận, các công trình nghiên cứu khoa học được trình bày đã cho thấy: Dù ĐBSCL có nhiều tiềm năng, các DN khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp bền vững vẫn gặp rất nhiều thách thức như: Thiếu vốn đầu tư; hạn chế về khoa học kỹ thuật (ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn hạn chế do chi phí cao và thiếu nhân lực có trình độ); khó khăn trong tiếp cận thị trường; thiếu liên kết trong chuỗi giá trị; tác động của biến đổi khí hậu (hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp)…

Với những nội dung đa dạng, mang đến cho các đại biểu, đặc biệt là các viện, trường đại học, các giảng viên và sinh viên, nhiều thông tin giá trị, những góc nhìn thực tế về khởi nghiệp… hội thảo đã góp phần thắp lên các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo để áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp bền vững…

Đan Phượng

Bình luận (0)