Trao đổi với PV xung quanh những bất ổn của trường ĐH tư thục, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính – chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long – nói: Đầu tư vào giáo dục ĐH theo mô hình trường tư cần xác định rất rõ rằng phải trường kỳ chịu lỗ. ĐH tư không phải chỗ kiếm tiền…
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Hàng loạt vụ lùm xùm đã và đang diễn ra tại các trường ĐH ngoài công lập. Có trường những lùm xùm ấy lặng lẽ diễn ra như những đợt sóng ngầm, nhưng cũng ở rất nhiều trường đã trở thành cuộc chiến căng thẳng, được công khai ở tất cả mọi nơi có thể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh những bất ổn của hệ thống trường ĐH ngoài công lập, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính – chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, trường ĐH dân lập đầu tiên của VN – chia sẻ:
– Đầu tư vào giáo dục ĐH theo mô hình trường tư cần xác định rất rõ rằng phải trường kỳ chịu lỗ ít nhất mười năm, SV vào ít vẫn phải cắn răng mà dạy. Sau mười năm, số SV ra trường đủ để xã hội đánh giá và chấp nhận.
ĐH tư không phải chỗ kiếm tiền. Nhưng người đầu tư vào ĐH tư thục theo mô hình góp vốn cổ đông không phải ai cũng hiểu điều này. Có người góp được mấy tỉ đồng vào trường, đúng là tiền tỉ to thật, nhưng lại chăm chăm sinh lời ngay, đến lúc không được thì nản, buồn, rồi cãi nhau to ở đại hội cổ đông. Có người góp vốn nghĩ mình quyền to lắm, đòi đủ quyền lợi, không được thì có ý kiến lên cả Bộ GD-ĐT.
* Thưa GS, ngành giáo dục đã đưa ra mục tiêu cho một “xã hội học tập” là đến năm 2010, 40% SV sẽ là SV các trường dân lập, tư thục?
– Đến bây giờ chắc những người đưa ra chủ trương này cũng quá rõ nó không khả thi, không thực tế rồi. Người ta thấy Thái Lan có mấy trăm sinh viên trên 1 vạn dân, VN không bằng thì chí ít cũng phải xấp xỉ, thế nên ra sức đòi phấn đấu. Thành ra thời gian vừa qua nhiều trường mới mở ra như thế. VN cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Công nghiệp thật sự vẫn chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn. Khu công nghiệp ở tỉnh chỉ cần lao động phổ thông, cùng lắm là trung cấp nghề, chứ nào có hút nhiều kỹ sư.
Ở Pháp, người ta xây trường tính theo số dân, nhưng họ là nước công nghiệp thật sự. Tỉnh nào cũng có nền công nghiệp phát triển, tỉnh nào cũng có trường ĐH và các trường được quy hoạch theo dân số đều là trường công. Paris đông dân thì có từ ĐH Paris 1 cho đến ĐH Paris 13, Toulouse ít dân hơn thì Toulouse 1, Toulouse 2, Toulouse 3… SV ra trường phục vụ luôn địa phương mà không có cảm giác phải tìm cách “thoát ly” như mình.
Bắc Ninh có khu hành chính mới rất đẹp, nhưng ra khỏi đó vẫn chỉ lèo tèo mấy quán nước, chẳng thấy một nền công nghiệp khả dĩ sử dụng đội ngũ SV mới ra trường. Vậy mà tỉnh này có đến hai trường ĐH tư thục là ĐH Đông Á và ĐH Bắc Hà. Trường bạn tôi xây giữa cánh đồng không phải duy nhất. Ở Vĩnh Phúc cũng có một trường ĐH tư thục xây giữa cánh đồng, xung quanh trường người ta vẫn cấy gặt, trâu bò vẫn cày bừa hằng ngày…
Một GS Việt kiều được mời về làm hiệu trưởng trường ĐH tư thục mới lập ở VN, ban đầu ông hớn hở lắm, còn đưa cả vợ là người Canada về dạy tiếng Anh. Nhưng rồi sau ba năm, trường vẫn như mới tinh. Mỗi năm trường tuyển được vài chục sinh viên, lẻ tẻ, buồn bã. Người vợ không chịu được đã trở về nước. Còn vị GS ngày nào cũng thức đến 2g-3g sáng, cố gắng tuyển sinh cho trường mà không làm nổi.
Anh hỏi tôi có phải vì hiệu trưởng mà không tuyển sinh được không? Tôi bảo không, đã là ĐH tư thục ở VN thì phải xác định mười năm chịu lỗ âm thầm mới mong khởi động được.
* Vậy mô hình trường ĐH tư thục ở VN có khác gì so với thế giới?
– Trước hết, tôi nói về mô hình trường tư ở Pháp mà tôi biết rất rõ vì tôi là ủy viên HĐQT một trường ĐH tư ở nước Pháp. Do hệ thống trường công phủ khắp, nên phải bắt đầu từ năm 1970 ở Pháp mới lẻ tẻ xuất hiện trường tư.
Sự ra đời hệ thống trường tư bắt nguồn từ việc kinh tế đất nước họ lúc đó phồn thịnh, hệ thống đào tạo công không đáp ứng đủ nguồn nhân lực marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng… Chính các xí nghiệp, công ty thiếu nguồn nhân lực đã xây trường phục vụ nhu cầu của họ.
Nguyên tắc trường tư là xí nghiệp xây trường xong mời người điều hành, học phí SV chỉ chiếm 50% ngân sách, 50% còn lại là xí nghiệp và nhà nước cho. Xí nghiệp lo xây trường, lại lo đón đầu ra nên không có chuyện cãi nhau.
Ở ta, ngoài giấy cho phép thì Nhà nước không làm gì cả, mà nguy hiểm là lại đẩy người ta đi các tỉnh. Trường ĐH Đông Á mấy năm trước tuyển sinh được 70, năm sau bị cấm, năm nay thì tuyển được thêm mấy chục SV, sống thế nào được, nên càng cãi nhau.
Có trường, phó hiệu trưởng cũng từng là phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, phải trực tiếp đi “tiếp thị” từng gia đình ở địa phương mà người ta cũng chẳng cho con theo học. Cô giáo này đề nghị đặt một bàn tiếp thí sinh bên trường tôi, em nào không đạt ở trường tôi mà vẫn “đủ sàn” thì nhận luôn. Thế mà thí sinh vẫn từ chối vì tên trường nghe “miền núi”, mặc mọi lời quảng cáo của tôi cho trường bạn mà tôi biết là rất tốt.
Ở Mỹ, theo các tài liệu của Liên Hiệp Quốc, con số gần như cố định đối với các trường tư lớn là khoảng 47% nguồn thu là từ học phí SV, 53% là nhà nước và xí nghiệp hỗ trợ. Ở VN không có gì cả, lại còn thuế nữa. Nhiều trường tính để dành tiền xây trường thì người ta lại quy thành lợi nhuận đánh thuế 10%. Nếu không muốn chịu thuế thì tìm cách… chi cho hết.
* Những ĐH tư đang gặp bất ổn liệu có khá hơn trong tương lai?
– Để cứu các trường như ĐH Đông Á, Bộ GD-ĐT phải nhảy vào nhưng cũng rất khó khăn do vị trí bất lợi. Ở những vị trí địa lý họ đặt trường không thể tuyển sinh được, trừ phi nó được biến thành trường công và không lấy một đồng xu nào. Nói thật, tôi không nhìn thấy lối thoát vì nền kinh tế hiện nay của ta còn thấp.
* GS có chia sẻ gì với những cổ đông đầu tư vào ĐH và những người được giao quyền quản lý các trường ĐH tư thục hiện nay?
– Tôi không thể đưa ra lời khuyên vì tôi may hơn những người khác do thời điểm mở trường thuận lợi. Khi đó trường tư chưa có, các trường công cũng chưa nhiều như bây giờ. Nhưng nếu là lãnh đạo có trách nhiệm đưa ra quyết sách, tôi khuyên không thể cứ vô tư tính trên 1 vạn dân thì “phải có” bao nhiêu SV mà cần can đảm nhận thấy rằng ở các thành phố công nghiệp cần bao nhiêu kỹ sư.
Với những nơi vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì cần bao nhiêu kỹ sư nông nghiệp, đào tạo xong nhất quyết phải sử dụng họ đến nơi đến chốn, chứ đừng so bì chạy theo thành tích “tỉnh kia có ngần ấy dân mà có bấy nhiêu kỹ sư, tỉnh mình nhiều dân hơn nên quyết phấn đấu…”.
|
Theo NGỌC HÀ
(TTO)
Bình luận (0)