Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại học vùng: “Chiếc áo” đã quá chật

Tạp Chí Giáo Dục

Thư viện điện tử của Đại học Đà Nẵng xây dựng tại ĐH Bách khoa, chủ yếu chỉ phục vụ cho Trường ĐH Bách khoa
Sau 15 năm hình thành và phát triển đại học vùng, điểm cốt yếu để tiếp tục hoàn thiện mô hình này vẫn là cần một cơ chế cụ thể hơn, đặc biệt một khi tấm áo này đã quá chật trong khi nhu cầu ở các trường thành viên ngày một “phình” to hơn…
Vào thời điểm năm 1994 và gần chục năm sau đó, khi nền giáo dục nước nhà thành lập ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và 3 ĐH vùng: Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng, nhiều trường đại học nguyên chỉ là những bộ môn trực thuộc có cơ hội bung ra thành trường có quy mô lớn, có uy tín không chỉ trong vùng mà còn sánh ngang tầm quốc gia. Số lượng sinh viên ngày càng tăng, chất lượng đầu vào, đầu ra và hệ đào tạo sau đại học ngày càng được nâng cao…
Mô hình cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả
Trải qua một thời gian quá dài mô hình đại học vùng vẫn chỉ là mô hình “thử nghiệm”, chưa có cơ chế cụ thể về vai trò và nghĩa vụ của đại học vùng trong khi nhu cầu ngày một tăng vọt, nhiều trường có đông số lượng sinh viên tỷ lệ thuận với nhu cầu dạy, học, nghiên cứu… gây quá tải cho một cấp quản lý dẫn đến trục trặc, vướng mắc. “Để mượn được một cuốn tài liệu, chúng tôi phải đến thư viện chung và đợi cả buổi đôi khi chưa mượn được, trong khi đó giả sử trường có thư viện thông tin riêng thì sẽ đỡ tốn thời gian biết bao nhiêu!”, một cán bộ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng bức xúc.
Trước nhu cầu tăng vọt đó, nhiều trường thành viên “tái lập” hàng loạt phòng chức năng dẫn đến ban giám đốc đại học vùng trở thành cấp trung gian. Mục đích ban đầu của đại học vùng không thực hiện được khiến nó trở thành một mô hình cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả. Theo TS. Đào Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng: “Mặc dù Đại học Đà Nẵng có quyền lớn so với trường nhưng so với bộ thì không hơn trường là mấy. Đại học Đà Nẵng không có quyền quy định và ban hành các văn bản quy định nội dung, cách thức thực hiện mà phải dựa vào bộ. Đại học vùng chỉ đóng vai trò là đầu mối điều tiết thông tin (thông báo, nhận báo cáo và tổng hợp gửi đi) nên buộc trường phải có quan hệ trực tiếp với bộ để sớm có thông tin kịp thời…”.
Việc nhìn thấy “tấm áo” qua 15 năm đã trở nên quá chật, nhưng phải “thiết kế” lại tấm áo đó như thế nào, nhất là tránh sự lặp lại “quy trình” chật chội sau 15, 20 năm hay dài hơn nữa còn là một vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết một cách cụ thể trước khi Luật Đại học được chắp bút.
Chồng chéo trong quản lý
Tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng ngày 18 và 19-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, bộ muốn được lắng nghe tất cả những ý kiến của Đại học Đà Nẵng cùng các trường thành viên, tập trung nhất ở công tác quản lý, quan hệ giữa Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên, vị thế, chất lượng của ĐH vùng… chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để có hướng tháo gỡ, xây dựng một mô hình đại học vùng hoàn thiện hơn, góp phần định hướng phát triển kinh tế, xã hội.
PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, sau 15 năm thành lập đại học vùng cho đến nay, với mô hình hiện tại, có điều kiện tập trung các nguồn lực, sử dụng chung đội ngũ giảng viên, tối ưu hóa nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm xây dựng một trung tâm đa ngành, đa lĩnh vực, chủ động ở một số khâu như quy hoạch cán bộ, đào tạo, nguồn kinh phí; thống nhất hoạt động đối ngoại, huy động nguồn vốn đầu tư tập trung, có trọng điểm; đảm bảo cạnh tranh đa ngành…
Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các trường ĐH thành viên và Đại học Đà Nẵng về quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi trong tương quan với các trường ĐH trực thuộc bộ; còn chồng chéo trong các hoạt động điều hành, quản lý; đầu tư của Nhà nước còn thấp…
Trên cơ sở đó, Đại học Đà Nẵng kiến nghị: Bộ GD-ĐT ban hành thống nhất quy chế hoạt động của các ĐH vùng và có chính sách đầu tư cho ĐH vùng như ĐHQG hoặc như tổng cục thuộc bộ; xây dựng mô hình ĐH vùng trên cơ sở tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học và có cơ chế đặc thù về tài chính; cấp kinh phí xây dựng Làng đại học Hòa Quý (đã quy hoạch hơn 10 năm nay)…
Lãnh đạo các trường thành viên cũng đã có nhiều ý kiến kiến nghị với Bộ GD-ĐT sát với đặc thù của từng trường. Theo đó, Trường Đại học Sư phạm kiến nghị Bộ GD-ĐT cần làm việc với các bộ liên quan xem xét lại việc cấp kinh phí cho trường ĐHSP. Từ nhiều năm nay, kinh phí Nhà nước được Đại học Đà Nẵng phân bổ không đủ trả lương, những tháng cuối năm phải nhờ sự hỗ trợ của bộ mới có kinh phí để trả lương. Nhà trường luôn ở trong tình trạng thiếu kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Các trường ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa kiến nghị về việc cần được đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ chế thoáng hơn trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến tuyển dụng con người, đào tạo, nghiên cứu khoa học; giao cho trường có quyền quyết định nội dung, chương trình đào tạo cũng như mở mới các ngành nghề phù hợp xu thế phát triển…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng mục tiêu hướng đến vẫn là cái thực chất. Đó là, các trường thành viên và Đại học Đà Nẵng cần đề ra giải pháp cụ thể, trên cơ sở đó hoàn thiện quy chế gửi về bộ. Đó là sự thể hiện quyền tự chủ cao nhất. Một khi đại học vùng phát huy được sức mạnh tổng hợp, hài hòa giữa các trường thành viên thì sức mạnh ấy tất yếu sẽ được công nhận.
Bài, ảnh: Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)